Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư cho cơ sở giáo dục trên thế giới

Trọng tâm cần nhiều nguồn lực và bước đầu đón xu thế số hóa

Tùng Lâm - Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư vào cơ sở hạ tầng trường học luôn là một trong những trọng tâm các quốc gia hướng đến để thúc đẩy giáo dục phát triển, tạo ra môi trường tốt hơn cho học sinh và giáo viên.

Cơ chế huy động vốn đầu tư linh hoạt

Australia luôn là một trong những quốc gia dành sự quan tâm cho phát triển hạ tầng trường học, giúp học sinh, sinh viên có thể học tập trong môi trường thuận lợi, hưởng những điều kiện đầy đủ và an toàn nhất. Đặc biệt, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục không chỉ là nhiệm vụ riêng của cơ quan nhà nước mà còn có sự hỗ trợ, phối hợp chắt chẽ của khu vực tư nhân và các tổ chức dân sự xã hội.

Trong đó, chính phủ quốc gia chịu trách nhiệm thiết lập các quy chuẩn, chính sách liên quan đến cơ sở hạ tầng cho ngành giáo dục như: quy định các vật liệu cấm sử dụng trong xây dựng trường học, lập ngân sách đối với cơ sở hạ tầng lớn…

Phần Lan luôn dành nguồn ngân sách quốc gia lớn cho phát triển cơ sở giáo dục. Ảnh: AP
Phần Lan luôn dành nguồn ngân sách quốc gia lớn cho phát triển cơ sở giáo dục. Ảnh: AP

Khu vực tư nhân chịu trách nhiệm cung cấp chính đối với các thiết bị, vật tư giáo dục, từ thiết kế xây dựng cơ sở hạ tầng trường học cho đến quản lý và bảo trì chúng. Các chủ thể dân sự khác như: các tổ chức phi chính phủ, trường đại học, các nhóm cộng đồng… sẽ giúp việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng tại nhiều khu vực địa phương trở nên thuận lợi, bảo đảm hơn do những hiểu biết sâu sắc với tình hình khu vực.

Trong đó, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cơ sở vật chất cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng luôn được xem xét và điều chỉnh thường xuyên, chiếm tỷ trọng cố định so với tổng ngân sách chi của trường.

Trong khi đó, Hàn Quốc có nguồn tài chính mở rộng để dành cho giáo dục, bao gồm ngân sách chính phủ, ngân sách địa phương và tư nhân, trong đó trợ cấp từ ngân sách và nguồn học phí chiếm phần lớn.

Các khoản chi chia theo mục đích được phân đôi là: chi phí phổ biến như tiền lương, tiền công, tiền chi cho các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo giáo viên và các hoạt động khác chiếm tương đương 69% và chi phí thiết yếu tương đương các khoản chi cho cơ sở vật chất chiếm 26%.

Trong một số trường hợp, có cả nguồn lực được huy động từ các hộ gia đình dưới dạng học phí, đóng góp khi nhập học và các hình thức phí khác được huy động.

Chú trọng toàn diện các hạng mục

Các trường học tại Australia luôn chú trọng việc xây dựng các lớp học phù hợp với quy định, trong đó bảo đảm quy mô lớp học luôn chứa đủ 40 học sinh, riêng khu vực nông thôn hoặc những vùng xa thì số lượng có thể là 20 học sinh. Các lớp học có thể là một lớp hoặc nhiều lớp ghép lại.

Trong từng trường hợp, cách bố trí lớp học phải bảo đảm phù hợp với phương pháp lấy học sinh làm trung tâm hay phương pháp giảng dạy đặt trọng tâm vào giáo viên, trong đó các học sinh có thể xếp thành từng nhóm để tăng cường tương tác với nhau cũng như giữa giáo viên với học sinh.
Việc lựa chọn đồ nội thất cũng cần phải phù hợp với tất cả trẻ em, kể cả người khuyết tật nhằm tạo cảm giác thoải mái lúc học tập.

Bên cạnh đó, các trường học tại Australia đang ngày càng chú trọng đầu tư vào công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy việc học tập diễn ra hiệu quả.
Một yếu tố cũng cần quan tâm là chất lượng nhà vệ sinh tại các trường học.

Để xây dựng một nhà vệ sinh tiêu chuẩn tại Australia các trường học cần phải tính đến các yếu tố như văn hóa, sức khỏe, an toàn, sự riêng tư. Nhà vệ sinh không bảo đảm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh, dẫn đến tình trạng bỏ học hàng loạt.

Đặc biệt, Australia luôn quan tâm đến việc xây dựng các thư viện nhằm thúc đẩy việc học tập, đọc sách cũng như tạo ra nơi sinh hoạt cho người dân và học sinh. 

Thư viện ở Australia được chia thành các cấp: thư viện quốc gia như National Library of Australia, thư viện của các tiểu bang, thư viện công cộng tại mỗi vùng và thư viện tại các trường học.

Trung Quốc cũng đặc biệt quan tâm đến đầu từ xây dựng cơ sở hạ tầng trường học. Trong giai đoạn từ 2014 -2019, Chính phủ Bắc Kinh đã chi khoảng 615,6 tỷ nhân dân tệ (86 tỷ USD) để cải thiện cơ sở hạ tầng trường học tại những khu vực kém phát triển, trong đó 169,9 tỷ nhân dân tệ được lấy từ ngân sách trung ương.

Với sự quan tâm đặc biệt từ một số cơ quan trung ương như Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính Trung Quốc, nhiều chương trình giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt và học tập của học sinh ở vùng khó khăn đã được triển khai và thu được kết quả ấn tượng.

Kể từ năm 2014, 224 triệu m2 trường học, hơn 29 triệu m2 ký túc xá sinh viên, 222 triệu m2 sân chơi ngoài trời, 13,16 triệu m2 nhà ăn sinh viên và 6,77 triệu m2 nhà vệ sinh đã được xây dựng, mở rộng hoặc cải tạo. Bên cạnh đó, nhằm giúp học sinh tiếp cận nhiều nguồn tài liệu mở, thúc đẩy quá trình học tập phát triển, 98,6% trường tiểu học và trung học trên cả nước đã được truy cập vào Internet và hơn 90% trong số đó là lớp học đa phương tiện.

Hạ tầng kỹ thuật số - xu thế mới

Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng nâng cấp cơ sở vật chất nhằm phục vụ công tác giảng dạy kỹ thuật số. Hiên tại, tất cả trường học tại “quốc gia tỷ dân” đều có quyền truy cập vào Internet - so với tỷ lệ 25% vào năm 2012. Hơn 3/4 số trường học ở đất nước này có mạng không dây và khoảng 99,5% trường có các lớp học đa phương tiện.

Vào tháng 3/2022, nền tảng dịch vụ công trực tuyến có tên gọi: “Giáo dục thông minh” đã chính thức ra mắt, tập trung vào các lĩnh vực như học tập, giảng dạy, quản lý trường học và đổi mới giáo dục. Cho đến nay, nền tảng này đã nhận được hơn 6,7 tỷ lượt xem và hơn 1 tỷ lượt truy cập từ hơn 200 quốc gia và khu vực.

Nền tảng này đã giúp các trường học tại những khu vực khó khăn của Trung Quốc có thể tiếp cận với những nguồn kiến thức chất lượng hơn.

Tại Rumani đã có một số trường đại học thông qua quyết định chiến lược để phát triển hệ thống thông tin tích hợp, kết hợp hệ thống thông tin sinh viên với nền tảng học tập điện tử, hệ thống nghiên cứu và quản lý hành chính.

Còn tại Croatia, mô hình học kết hợp (Blended learning) đang trở thành phương thức đào tạo qua ICT ngày càng phổ biến. Theo đó, một lượng đáng kể các yếu tố mặt đối mặt được thay thế bằng dạy học qua công nghệ.