Tại buổi tọa đàm, các học giả đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận những nội dung lớn trong Dự thảo Hiến pháp, như vai trò lãnh đạo của Đảng và thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng; Thể chế chính trị và tổ chức của Nhà nước pháp quyền XHCN; Mô hình kinh tế tổng thể…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang được xây dựng chính quy, hiện đại, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh.Ảnh: Hải Linh
Thảo luận về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, đại đa số ý kiến thống nhất cho rằng, khẳng định này không phải là mong muốn chủ quan duy ý chí của một cá nhân hay một tổ chức nào, mà được đúc kết, được kiểm nghiệm từ thực tiễn. Nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư Trần Trọng Tân cho rằng, Hiến pháp tiếp tục xác nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là rất cần thiết, là giao trọng trách cho Đảng xây dựng bộ máy Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và xây dựng CNXH. Về phía nhân dân, để giữ cho vai trò lãnh đạo của Đảng được bền vững cũng cần có ý thức về những điều kiện nêu ra ở Điều 4 để giám sát việc xây dựng Đảng, buộc Đảng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, phải tôn trọng Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của dân, do dân bầu ra, không cho phép Đảng lãnh đạo trở thành Đảng trị với những đặc quyền, đặc lợi.
Cùng với quan điểm trên, PGS TS Huỳnh Thị Gấm, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II cho rằng, những quy định về Đảng và liên quan đến Đảng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là hợp pháp, hợp với lý luận và sự thật lịch sử. Do vậy, rất cần thiết thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp sửa đổi. Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đồng tình việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân sẽ bảo đảm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh trong mọi hoàn cảnh, đủ sức trấn áp, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá Đảng, Nhà nước và xâm phạm lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Góp ý với Điều 2 của Dự thảo, PGS TS Nguyễn Tấn Phát, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị nên thay cụm từ: "Nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức" bằng cụm từ: "Trụ cột là các giai tầng trí thức, nông dân, công nhân, doanh nhân, binh sĩ". Bởi lẽ, để xây dựng một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, bên cạnh vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, tầng lớp doanh nhân cũng có vị trí quan trọng góp phần đưa đất nước ta bước vào thị trường toàn cầu. Tương tự, vai trò, tính chất của quân đội cũng rất khác trước. Cụ thể, tính chuyên nghiệp, trình độ tinh nhuệ, khả năng sử dụng công nghệ, khí tài hiện đại của quân đội ngày càng cao để đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do vậy, nêu vấn đề 5 giai tầng làm nên trụ cột khối đại đoàn kết toàn dân trong giai đoạn mới là có cơ sở khoa học, thực tiễn và lịch sử.
Góp ý Chương II: "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân", PGS TS Nguyễn Văn Trình, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đề nghị không nên ghi là: Nhà nước "tạo điều kiện" để thực hiện quyền đó, mà nên thống nhất ghi là: Nhà nước "bảo đảm" vì đây là quyền tự nhiên của con người, Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ những quyền đó của con người, chứ không phải Nhà nước ban phát những quyền đó cho con người. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh đề nghị: Để hạn chế tình trạng xâm phạm các quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, khoản 2 Điều 15 quy định về các trường hợp giới hạn quyền con người, quyền công dân nên bổ sung cụm từ "do luật định" và nên viết lại là: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết và vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng do luật quy định".
Về nội dung Chính quyền địa phương, một số ý kiến đề nghị nên bổ sung quy định về xây dựng giải pháp linh hoạt về tổ chức chính quyền địa phương như là biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xác định quy mô tổ chức bộ máy tùy theo khả năng tự chủ của địa phương. Liên quan đến vấn đề kiểm soát quyền lực của cơ quan Nhà nước ở địa phương, để bảo đảm sự thông suốt và không mâu thuẫn trong việc thực thi quy định tại Điều 119 thì khoản 2 Điều 9 của Dự thảo cũng nên điều chỉnh lại: "Mặt trận Tổ quốc là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân".
Vì Mặt trận đóng vai trò là thiết chế giám sát xã hội hoạt động của cơ quan Nhà nước, phải độc lập với cơ quan Nhà nước. Không thể đồng nhất cơ sở chính trị của hệ thống chính trị với cơ quan của chính quyền - cơ quan Nhà nước được. Với cách quy định như thế sẽ dẫn đến sự suy diễn mang tính nhầm lẫn về mặt lý luận cho rằng, "quyền lực chính trị đồng nhất với quyền lực Nhà nước của nhân dân".