Kinhtedothi - Ngày 18/7, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với Lâm Phúc Hùng (SN 1959, ở phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội) - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á (gọi tắt Công ty Diamond Holiday) với vai trò cầm đầu đường dây kinh doanh thương mại điện tử đa cấp xuyên quốc gia. Đây được coi là vụ án chiếm đoạt tài sản dưới chiêu bài kinh doanh đa cấp lớn nhất từ trước tới nay bởi số bị hại lên tới hàng vạn người.
Các bị cáo tại phiên tòa |
Cùng bị đưa ra xét xử về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” với Lâm Phúc Hùng còn có 8 đồng phạm khác gồm: Nguyễn Thị Bắc (SN 1959, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên), Phạm Hồng Thanh (SN 1967, ở phường Trung Phụng, quận Đống Đa), Nguyễn Thị Ái Dân (SN 1954, ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân), Phạm Thị Thúy (SN 1973, ở phường Cống Vị, quận Ba Đình), Đỗ Trang Đoan (SN 1976, ở phường Khương Thượng, quận Đống Đa), Bùi Đức Cường (SN 1985, ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình), Lê Hữu Thinh (SN 1976, ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) và Lê Văn Trọng (SN 1974, ở xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm). Theo cáo trạng, Câu lạc bộ du khách, Công ty CP thương mại Diamond Holiday Việt Nam, Công ty Diamond Holiday và Công ty TNHH Xuân Bắc đã quảng bá bán gói sản phẩm đặt phòng khách sạn trên toàn thế giới theo hình thức kinh doanh đa cấp điện tử. Hành vi này được thực hiện dưới hình thức, người tham gia trước lôi kéo người tham gia sau thì được thưởng bằng tiền ảo trong ví điện tử và nếu muốn thưởng tiền thật thì phải lôi kéo thêm nhiều người khác tham gia để bán tiền ảo. Quá trình điều tra đã xác định, 4 công ty trên đều không có chức năng tổ chức, kinh doanh lữ hành quốc tế, kinh doanh trên mạng internet, kinh doanh bán hàng đa cấp nhưng vẫn lôi kéo hơn 11.000 người tham gia để chiếm đoạt tiền. Cụ thể, sự việc xảy ra khoảng tháng 2/2010 khi Hùng tìm hiểu thông tin về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đa cấp với gói sản phẩm đặt phòng du lịch 4 ngày 3 đêm cho hai người tại các khách sạn tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao hoặc ở các khu resort trên toàn thế giới với giá của gói dịch vụ là 325 USD/1 mã số ID (đặt phòng cho hai người). Sau khi nghiên cứu, Hùng đã in nội dung trên đưa cho Thanh dịch sang tiếng Việt. Nhận thấy đây là “mánh” kiếm tiền mới, bộ đôi rủ Thúy tham gia. Khi trở thành thành viên của hệ thống kinh doanh đa cấp nước ngoài, bộ ba này đã lôi kéo thêm nhiều người cùng tham gia. Sau đó, bộ ba này đã thành lập Câu lạc bộ Du khách do Hùng làm chủ nhiệm, Thanh và Thủy làm Phó Chủ nhiệm, đồng thời chiêu mộ thêm người giúp mình một số công việc. Hoàn thành bước khởi đầu, bộ ba này đã sang HongKong gặp Hsueh Cho Ting (chưa xác minh được lai lịch) tìm hiểu phương thức dụ dỗ, lôi kéo khách hàng tham gia. Theo đó, khi một người tham gia vào hệ thống sẽ được xếp vào 1 bàn du khách (bàn vàng). Khi bàn này đủ 15 người tham gia, ai ở vị trí bàn trưởng sẽ được thưởng 1.000 USD vào ví điện tử của mã ID đồng thời người này được chuyển sang bàn kim cương (bàn đỏ). Tuy nhiên, muốn trở thành trưởng bàn vàng thì phải vận động được nhiều người tham gia. Ngoài ra, tài liệu điều tra cũng cho thấy, việc kinh doanh đa cấp trên mạng internet của Hùng và đồng bọn là không có thật vì không có gói dịch vụ đặt phòng ở nước ngoài. Riêng tiền thưởng khi thoát bàn đều là tiền ảo được trả vào ví điện tử và việc trả tiền thật thực chất do người Việt trả với hình thức thu tiền của người sau trả cho người trước. Thế nhưng, Hùng và 8 đồng bọn vẫn tích cực quảng bá thông tin không đúng sự thật để bán các gói sản phẩm dịch vụ du lịch đặt phòng nhằm chiếm đoạt tiền của những người tham gia. Tính đến thời điểm hệ thống của Hùng tại Việt Nam bị đánh sập, đường dây này đã chiếm đoạt được gần 80 tỷ đồng của hơn 11.000 bị hại để chia nhau sử dụng hết. Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 5/8.