Đại diện Bảo tàng cho biết, hoạt động này nhằm giúp khách tham quan có cơ hội tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc tượng gốm cổ Việt Nam đồng thời mong muốn giới thiệu tới công chúng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của tượng gốm cổ, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy và tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc. Lần này, nội dung trưng bày gồm ba chủ đề: Tượng gốm hiện thực; Tượng gốm tôn giáo, tín ngưỡng; Tượng gốm trang trí kiến trúc.
Ngoài ra, trong khuôn khổ buổi họp báo khai mạc sự kiện, tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng thông tin về mẫu biểu trưng (logo) chính thức của Bảo tàng sau nhiều lần được Hội đồng Khoa học, các họa sỹ, các nhà nghiên cứu lịch sử... góp ý chỉnh sửa nhiều lần. Theo đó, logo mới sử dụng ba màu (vàng-đỏ đun; vàng-xanh tím và vàng-xanh dương), thể hiện được hình dáng tòa nhà bảo tàng tương lai mang tính ước lệ, là nơi lưu giữ và phát huy lịch sử, văn hóa của đất nước. Hình người võ sĩ trong logo được lấy từ một họa tiết trên trống đồng Đông Sơn, nhằm biểu trưng cho một trong những trang sử hào hùng của dân tộc. Bên cạnh đó, người xem có thể hình dung thấy hai bó lúa đan xen, thể hiện về nguồn gốc có nền văn minh lúa nước lâu đời của Việt Nam. Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, logo mới sẽ chính thức được đưa vào sử dụng trong các ấn phẩm, truyền thông, quảng cáo và bộ nhận diện thương hiệu của bảo tàng. Đặc biệt, hệ thống thuyết minh tự động (autoguide) đang sử dụng hai thứ tiếng là tiếng Việt và tiếng Anh cho 50 bài giới thiệu chi tiết về hệ thống trưng bày trong Bảo tàng sẽ chính thức được Bảo tàng đưa vào hoạt động phục vụ du khách ngay ngày hôm nay. Cùng phương pháp sắp xếp thông tin từ khái quát đến cụ thể với nội dung giới thiệu ngắn gọn, dễ hiểu nhưng vẫn đảm bảo thời lượng chương trình thăm quan. Hệ thống autoguide có kích thước nhỏ, gọn, thuận tiện di chuyển, phù hợp với mọi đối tượng khách, đặc biệt là khách thăm quan tự do.