Kinhtedothi - Hơn hai vụ phá sản một tiếng, tổng cộng 62 vụ phá sản mỗi ngày. Đó là số lượng các doanh nghiệp Italy, chủ yếu là vừa và nhỏ, chấm dứt hoạt động của mình trong năm 2014, do cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II đang xảy ra ở Italy.
Theo các số liệu thống kê của Cribis D&B, một nhóm chuyên về thông tin kinh doanh, năm ngoái, có tổng cộng 15.605 doanh nghiệp Italy tuyên bố phá sản, tăng 9% so với năm trước đó và tăng 66% so với năm 2009, thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu thể hiện những tác động tiêu cực.
Các số liệu của Cribis D&B cho thấy quý IV/2014 là khoảng thời gian nhiều doanh nghiệp "gục ngã" nhất: 4.502 doanh nghiệp, mức cao nhất kể năm 2009.
Một cuộc biểu tình do khủng hoảng kinh tế ở Italy. (Ảnh: AP)
|
Tính chung, có tới hơn 75.000 công ty lớn nhỏ ở Italy đệ đơn phá sản kể từ năm 2009 đến nay, chưa tính đến những doanh nghiệp quá nhỏ phá sản và không gửi thông báo.
Thống kê của Cribis D&B cho thấy tình trạng nợ vốn và nợ lương nhân công của các doanh nghiệp trong tình trạng làm ăn thua lỗ chính là nguyên nhân dẫn đến sự phá sản hàng loạt.
Kể từ năm 2010 đến nay, số lượng các doanh nghiệp chậm lương từ một tháng trở lên tăng 2,5 lần. Trên thực tế, chỉ có 37,5% các công ty Italy trả lương đúng hạn.
Theo báo cáo của Cribis D&B, khủng hoảng đã tác động mạnh nhất đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Năm ngoái, trung bình cứ 4 doanh nghiệp vỡ nợ và giải thể thì có 1 doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Chịu ảnh hưởng không kém là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng và quán bar, giao thông, kinh doanh thời trang, sản xuất máy móc công nghiệp và máy tính.
Khủng hoảng không chỉ tác động mạnh đến miền Nam Italy, mà còn khiến không ít các khu vực tập trung công nghiệp với mật độ cao lao đao. Cụ thể, 22% số doanh nghiệp phá sản nằm ở Lombardy, vùng giàu nhất của Italy.
Kể từ năm 2009 đến nay, số doanh nghiệp phá sản ở vùng này lên tới hơn 16.000, chiếm 25% tổng số công ty vỡ nợ trên cả nước.