Đa dạng hóa nguồn thu nhập
Trên cánh đồng thôn Đo, vợ chồng anh Hoàng Đức Duệ tất bật với việc gieo trồng dưa leo. Nhiều năm qua, trên diện tích 5 sào, gia đình anh luân canh trồng lúa – rau màu – dưa leo. Theo anh Duệ, doanh thu từ 1 sào dưa leo khoảng 10 triệu đồng, cao gấp 2 – 3 lần so với cây lúa. Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Liên cũng nhanh tay ngắt bỏ những lá rau bị sâu ăn thủng lỗ chỗ. Cùng với dưa leo, rau màu là cây trồng được chị Liên cùng bà con nhiều thôn xóm nơi đây trồng trên những diện tích đất màu mỡ ven bãi sông. Ông Khổng Văn Sáng – Trưởng thôn Đo cho biết, với sự quan tâm của TP, huyện, thôn được quy hoạch diện tích 20ha trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, chỉ tính riêng thôn Đo có trên 50% số hộ trồng ít nhất một vụ rau, dưa trong năm. Bên cạnh cây lúa vẫn được người dân trồng đảm bảo nguồn lương thực, giá trị sản xuất của rau màu và dưa leo những năm qua giúp cải thiện đáng kể đời sống bà con nông dân.
Cùng với nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp, người dân trên địa bàn đổ xô đi làm cho các khu công nghiệp, DN. Thống kê kinh tế - xã hội năm 2015 cho thấy, xã Trung Giã với gần 8.000 người trong độ tuổi lao động thì có trên 76% hiện đang làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp – xây dựng – thương mại – dịch vụ. Bên cạnh thu nhập ngày một khá từ sản xuất nông nghiệp, việc đa dạng hóa các ngành nghề phi nông nghiệp giúp thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã liên tục tăng qua các năm, hiện đã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, tỷ lệ nghèo toàn xã đã giảm từ 8,1% (năm 2011) còn khoảng 2% (cuối năm 2015).
Chủ động trên đường “về đích”
Với sự quan tâm đầu tư lớn của TP và huyện Sóc Sơn, đời sống của người dân xã Trung Giã đang từng bước được nâng cao. Thông qua Chương trình xây dựng NTM, xã được ngành điện TP đầu tư trên 10,6 tỷ đồng xây dựng mới hai trạm biến áp và nâng cấp đường dây hạ thế, đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt. Chợ Nỷ và chợ siêu thị Bình An được cải tạo đáp ứng đa dạng nhu cầu hàng hóa, giao thương của người dân. Ba khối trường cấp THCS, tiểu học và mầm non được xây dựng với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng trong những năm qua giúp việc tiếp cận giáo dục của đông đảo con em nơi đây trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ TP, huyện, trong bối cảnh nguồn kinh phí hạn chế, xã chủ động lấy khuôn viên nhà thể thao khu phố Nỷ, cải tạo để tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng. Đầu tư kinh phí trên 150 triệu đồng nâng cấp hệ thống phát thanh, đảm bảo phục vụ tốt công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Hơn bốn năm qua, nhiều DN và Nhân dân địa phương đã đóng góp trên 27 tỷ đồng phục vụ công tác xây dựng NTM…
Dù đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nhưng công tác xây dựng NTM xã Trung Giã vẫn chưa hết khó khăn. Nhiều diện tích canh tác trên địa bàn xã bị bạc màu và phân bố manh mún, gây khó khăn cho sản xuất. Tỷ lệ thôn làng đạt chuẩn văn hóa còn thấp. Đặc biệt, số hộ được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế mới đạt khoảng 10%... Ông Ngô Thế Bích – Bí thư Đảng ủy xã Trung Giã cho biết, địa phương nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng NTM. Với quyết tâm hoàn thành bộ 19/19 tiêu chí trong năm 2016, hai nhiệm vụ trọng tâm được địa phương xác định, tập trung thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, bên cạnh tiếp tục nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xây dựng NTM, địa phương đang đẩy nhanh đấu giá quyền sử dụng đất, huy động sự tham gia của các DN, người dân nhằm có nguồn kinh phí phục vụ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là đối với những vùng chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa.
Chị Nguyễn Thị Liên, Xã Trung Giã đang chăm sóc vườn rau VietGAP của gia đình. Ảnh Trọng Tùng
|