Phân tích của CEPII cho biết, phần lớn thiệt hại (82%) liên quan đến các loại hàng hóa không thuộc danh mục bị Nga cấm vận. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chiếm 2/3 mức thiệt hại (khoảng 77%). Trước khủng hoảng, 2,3% xuất khẩu của các nước ủng hộ các biện pháp trừng phạt là sang Liên bang Nga, trong khi 63,8% xuất khẩu của Nga là sang các nước này.
Nông nghiệp của châu Âu là lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh trừng phạt Nga. |
Khi quan hệ của các nước với Nga xấu đi (tháng 2 - 7/2014), xuất khẩu giảm trung bình 14,6%, trong đó của EU giảm 13,8% và khi các biện pháp trừng phạt chính thức được áp đặt (tháng 8/2014), mức giảm trung bình là 12,4%, trong đó của EU là 24,9%. Xuất khẩu các loại hàng hóa bị cấm từ tháng 8/2014 giảm 90%.
Trong khi đó, theo số liệu của Cơ quan Hải quan Liên bang Nga, trong sáu tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu từ EU sang Nga giảm 6,1% và của cả năm giảm 11,7%. Mức giảm trong năm 2015 lên tới 40,2%. Quy ra tiền, xuất khẩu từ EU sang thị trường Nga trong hai năm 2014 và năm 2015 giảm tới 64 tỷ USD.
Gần 10.000 nông dân Italia biểu tình phản đối kéo dài lệnh trừng phạt Nga tại Verona. |
Những biện pháp trả đũa của Nga trong lĩnh vực nông nghiệp trước lệnh trừng phạt của phương Tây khiến nông dân châu Âu điêu đứng. Hàng triệu nông dân trên khắp châu Âu biểu tình phản đối. Gần đây nhất, khoảng 10.000 nông dân Italia hôm 30/6 tập trung tại Verona tiến hành cuộc biểu tình chống lại việc kéo dài biện pháp trừng phạt chống Nga và cấm vận thực phẩm của Nga.
Trước việc Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 29/6 ký sắc lệnh gia hạn lệnh cấm nhập khẩu các loại lương thực - thực phẩm từ các nước phương Tây tới cuối năm 2017, Hội đồng khu vực Lombardy của Italia hôm 6/7 đã thông qua nghị quyết kêu gọi chính phủ yêu cầu EU hủy bỏ biện pháp trừng phạt chống Nga. Đây là khu vực thứ 3 của Italia sau Veneto và Liguria, nơi cơ quan lập pháp địa phương nêu câu hỏi về sự cần thiết công nhận quyền tự quyết của bán đảo Crimea và kêu gọi bãi bỏ lệnh trừng phạt chống Nga. Ông Alessandro Bujeoni – đại diên đảng Liên đoàn phương Bắc cho biết: “Chúng ta cần kết thân với Nga, hoặc chí ít là hợp tác, bởi Nga là láng giềng của chúng ta, là đối tác của chúng ta”. Để đối phó với tình trạng khó khăn khi xuất khẩu vào Nga, theo báo Die Welt, các công ty Đức đã tìm ra phương thức lách quy định cấm vận để kinh doanh bằng cách mua nhiều xí nghiệp tại Nga. Điển hình như nhà sản xuất các sản phẩm sữa DMK hy vọng sẽ "bảo vệ thị trường phía đông" nhờ vào việc tổ chức dây chuyền sản xuất riêng của mình ở Voronezh vào năm 2017.