Trung Quốc bắt đầu tập trận gần Hoàng Sa

Tú AnhTheo The Guardian
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc đã bắt đầu tuần tập trận quân sự trên Biển Đông, ngay trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền “Đường chín đoạn” của Bắc Kinh.

CCTV, kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc khẳng định, cuộc tập trận đã bắt đầu vào 8h sáng nay (giờ Bắc Kinh).

Theo đó, trong số tàu chiến tham gia tập trận có hai tàu lớp khu trục tên lửa dẫn đường mang tên Shenyang và Ningbo cùng một tàu tuần dương tên lửa Chaozhou.

Khu vực tập trận khoanh vùng trong diện tích lên tới 100.000 km2 quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông.

Diễn ra trong vòng 1 tuần (5-11/7), cuộc tập trận kết thúc ngay trước khi PCA ra phán quyết về yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông vào ngày 12/7.
Trung Quốc bắt đầu tập trận gần Hoàng Sa - Ảnh 1
Các chuyên gia dự đoán, phán quyết của tòa quốc tế sẽ không có lợi cho Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận tính pháp lý của phán quyết và thẩm quyền của PCA trong vụ kiện này.

Phía Trung Quốc khẳng định, cuộc tập trận lần này là “hoạt động hàng hải bình thường nhằm ổn định an ninh khu vực, không liên quan tới các sự kiện hay quốc gia cụ thể nào”.

Tuy nhiên, những phản đối và tranh cãi quanh cuộc tập trận đã nổi lên ngay trước ngày 5/7. Ashley Townshend, học giả tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney khẳng định, sự kiện này là “lời đáp trả” hoạt động tuần tra gần đây Washington tiến hành trên Biển Đông nhằm thực thi quyền tự do hàng hải. Đồng thời, cũng thể hiện phần nào thái độ của Bắc Kinh trước phán quyết của PCA ngày 12/7 tới.  “Điều này một lần nữa cụ thể hóa lập trường phản đối phán quyết PCA mà Trung Quốc đưa ra trước đó”, ông Townshend cho biết.

Trung Quốc ngang nhiên khẳng định phần lớn khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền nước này, qua đó gây tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Brunei…

Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 4/7 đã lên tiếng phản đối cuộc tập trận nói trên. Hành động này của phía Trung Quốc một lần nữa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao 2 nước, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần