Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 10/12 cảnh báo không bên nào chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
"Các cuộc chiến thuế quan, chiến tranh thương mại và chiến tranh công nghệ đi ngược lại xu hướng lịch sử và các quy tắc kinh tế, và sẽ không có bên nào chiến thắng" – đài truyền hình CCTV trích dẫn phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp với lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế tại Trung Quốc hôm 10/12.
Cũng trong bài phát biểu trên, Chủ tịch Tập nêu rõ: “Trung Quốc sẵn sàng duy trì đối thoại với Chính phủ Mỹ, mở rộng hợp tác, quản lý bất đồng và thúc đẩy phát triển quan hệ Trung Quốc – Mỹ theo hướng ổn định, lành mạnh và bền vững”.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây cảnh báo sẽ tăng thuế lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi nhậm chức vào thàng 1/2025 trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn với quá trình phục hồi kinh tế không ổn định sau đại dịch Covid-19.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã phát động một cuộc chiến thương mại khốc liệt với Trung Quốc khi cáo buộc “hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và "không công bằng" của Bắc Kinh.
Chính quyền Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay. Chủ tịch Tập cho biết, Trung Quốc vẫn tự tin sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024.
Dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã gần chạm đến mức giảm phát hoàn toàn vào tháng 11/2024, qua đó làm tăng thêm áp lực buộc các quan chức phải hành động nhiều hơn để phục hồi tâm lý người tiêu dùng.
Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong 5 tháng và thấp hơn mức dự báo 0,5% trong cuộc thăm dò của Reuters.
Nếu so sánh giữa các tháng thì giá tiêu dùng tại Trung Quốc đã giảm 0,6% từ tháng 10 đến tháng 11/2024.
Chỉ số giá sản xuất (PPI), thước đo giá hàng hóa do các nhà sản xuất Trung Quốc bán ra, đã giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, nối tiếp đà giảm giá suốt 2 năm qua.
"Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục đối mặt với tình trạng giảm phát, qua đó cho thấy sự chưa hiệu quả của các biện pháp kích thích kinh tế nhằm khôi phục niềm tin của khu vực tư nhân, phục hồi nhu cầu trong nước và đưa tăng trưởng trở lại đúng hướng,” giáo sư Eswar Prasad tại Đại học Cornell kết luận.
Bắc Kinh sẵn sàng nới lỏng kinh tế đối phó thuế quan của Mỹ
Chính quyền Bắc Kinh hôm 9/12 cho biết nước này cần "phải thực hiện các chính sách tài khóa chủ động hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải", đồng thời "tăng cường các điều chỉnh phản chu kỳ bất thường, thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, cải thiện hiệu quả đầu tư và mở rộng nhu cầu trong nước theo mọi hướng".
Thông báo chính thức từ Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo nước này chuẩn bị tổ chức cuộc họp thường niên để vạch ra chương trình nghị sự kinh tế cho năm tới.
Trước đây, vào năm 2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thay đổi chính sách tiền tệ từ "thận trọng” sang “nới lỏng vừa phải" là do nợ công, nợ của các hộ gia đình và doanh nghiệp tăng hơn 5 lần, trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng khoảng 3 lần.
Bởi vậy sự thay đổi lập trường chính sách tiền tệ mới đây được giới chuyên gia xem là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo đang ngày càng coi trọng các vấn đề kinh tế của Trung Quốc hơn.
"Từ thận trọng sang lỏng lẻo vừa phải là một thay đổi lớn," ông Shuang Ding, nhà kinh tế trưởng của khu vực Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered, cho biết. "Điều này mở ra rất nhiều cơ hội cho nhà đầu tư”.
Theo Phó giáo sư kinh tế ứng dụng Tang Yao tại Đại học Bắc Kinh, việc điều chỉnh chính sách này là cần thiết, vì tăng trưởng chậm sẽ làm cho nợ càng khó kiểm soát hơn.
"Họ đã phần lớn chấp nhận thực tế rằng tỷ lệ nợ/GDP sẽ còn tăng thêm," ông Christopher Beddor, Phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, nói thêm, và cho rằng đây không còn là "một yếu tố hạn chế."
Hiện chưa rõ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể triển khai mức nới lỏng tiền tệ như thế nào, song các nhà phân tích cho rằng điều này có lợi cho Bắc Kinh.
"Họ sẵn sàng làm 'mọi thứ cần thiết' để đạt được mục tiêu GDP," ông Larry Hu – chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie, cho biết. "Các gói hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc trong năm 2025 sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố: mục tiêu GDP và các mức thuế quan mới của Mỹ".
Reuters vào tháng 11 vừa qua cho biết, phần lớn các cố vấn chính phủ khuyến nghị Bắc Kinh nên duy trì giữ mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm tới bất chấp nhiều thách thức đạt mức này trong năm nay.