Ngọn hải đăng Trung Quốc xây phi pháp ở đá Su Bi chiếm của Việt Nam
ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: Reuters
|
Ngọn hải đăng này, được xây từ tháng 10/2015 bất chấp sự phản đối của Việt Nam, có chiều cao 55 m và được lắp đặt hệ thống định vị vệ tinh Beidou của Trung Quốc, Tân Hoa xã cho hay. Ngoài đá Subi, Trung Quốc còn 2 dự án hải đăng trên 2 đá san hộ khác trong khu vực - Châu Viên và đá Gạc Ma, đều thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên án hành động phi pháp của Trung Quốc và yêu cầu nước này tôn trọng chủ quyền của Việt Nam ở khu vực Biển Đông.
Trước khi bị Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo, Su Bi là bãi đá ngầm, chỉ lộ ra khi thủy triều xuống. Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển, đảo nhân tạo không được công nhận giới hạn 12 hải lý xung quanh nó.
Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích khu vực Biển Đông, nơi các tàu thương mại thường xuyên qua lại. Các nước trong khu vực như Brunei, Phillipines, Malaysia và Việt Nam đã liên tục phản đối tuyên bố chủ quyền ngang ngược này của Trung Quốc.
Cuối năm ngoái, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ đã tuần tra trong khu vực 12 hải lý của đá Subi nhằm thực thi tự do hàng hải. Động thái này đã khiến Bắc Kinh tức giận và lên án hành động của Mỹ là “vô trách nhiệm”. Tuy nhiên, theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển, giới hạn 12 hải lý không thể được thiết lập xung quanh các đảo nhân tạo được xây dựng trên các rạn san hô chìm. Do vậy, phản ứng của Trung Quốc là hoàn toàn phi lý.
Mặc dù đi ngược lại các quy định quốc tế, giới chức Trung Quốc vẫn liên tục trắng trợn bao biện rằng, việc xây dựng của nước này ở khu vực Biển Đông nhằm phục vụ các hoạt động an toàn hàng hải, tìm kiếm và cứu hộ và nghiên cứu khoa học.