Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc - Chủ đề "hâm nóng" tranh cử ở Mỹ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tờ New York Times cho biết, giữa các ứng viên Dân chủ và Cộng hòa đang diễn ra một cuộc khẩu chiến gay gắt, trong đó hai bên buộc tội lẫn nhau vì đã để việc làm trong nước rơi vào tay quốc gia khác, mà cụ thể là Trung Quốc.

KTĐT - Tờ New York Times cho biết, giữa các ứng viên Dân chủ và Cộng hòa đang diễn ra một cuộc khẩu chiến gay gắt, trong đó hai bên buộc tội lẫn nhau vì đã để việc làm trong nước rơi vào tay quốc gia khác, mà cụ thể là Trung Quốc.

Các ứng cử viên chạy đua vào Quốc hội Mỹ trong kỳ bầu cử năm nay thi nhau đưa ra những khẩu hiệu có yếu tố Trung Quốc, để giành sự ủng hộ của cử tri. Việc này xảy ra trong bối cảnh người dân Mỹ ngày càng lo ngại về sự đi xuống của nền kinh tế nước nhà, trong khi kinh tế Trung Quốc lên như diều gặp gió.

Tờ New York Times cho biết, giữa các ứng viên Dân chủ và Cộng hòa đang diễn ra một cuộc khẩu chiến gay gắt, trong đó hai bên buộc tội lẫn nhau vì đã để việc làm trong nước rơi vào tay quốc gia khác, mà cụ thể là Trung Quốc. Cuộc khẩu chiến này được thể hiện rõ ràng trong các đoạn phim quảng cáo kêu gọi cử tri.

Tuần trước, đã có ít nhất 29 ứng cử viên đưa ra nội dung vận động tranh cử cho rằng, ứng viên đối thủ đã quá “thông cảm” với Trung Quốc, khiến người dân Mỹ phải chịu thiệt. Những nội dung này không chỉ có tần suất dày đặc, mà ngôn ngữ còn có phần thẳng thắn quá mức.

Trong một đoạn quảng cáo vận động tranh cử, Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Zack Space của bang Ohio chỉ trích đối thủ Bob Gibbs của đảng Cộng hòa là đã ủng hộ chính sách tự do thương mại, khiến việc làm của bang Ohio dịch chuyển sang Trung Quốc. Đoạn quảng cáo có hình một con rồng lớn xuất hiện trên màn hình, kèm theo là một câu nói chỉ trích ông Gibbs: “Ở Trung Quốc, người ta cảm ơn ông Gibbs!”.

Trong một đoạn quảng cáo khác, ứng cử viên đảng Cộng hòa Spkie Maynard của bang Tây Virginia phê phán nghị sỹ phe Dân chủ Nick Rahall vì đã ủng hộ một dự luật cho phép tạo việc làm trong lĩnh vực phong điện ở Trung Quốc.

Tiếp đó, nghị sỹ Harry Reid của đảng Dân chủ, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, tung ra một đoạn quảng cáo có hình ảnh của các công nhân Trung Quốc, đi kèm là lời chỉ trích đối thủ Sharron Angle bên đảng Cộng hòa là đã trở thành “người bạn tốt nhất của các công nhân nước ngoài”, khi ủng hộ việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thúc đẩy các công ty tăng cường thuê ngoài ở Trung Quốc và Ấn Độ.

New York Times cho biết, các chương trình quảng cáo vận động tranh cử của các ứng cử viên Quốc hội Mỹ tiêu tốn tổng số tiền lên tới hàng chục triệu USD. Các chính trị gia này tỏ ra rất chịu chi, nhằm đánh vào vấn đề mà các cử tri Mỹ đang lo ngại nhất, là tình trạng thiếu việc làm.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ cho thấy, người Mỹ không chỉ ngày càng lo ngại về sự suy giảm địa vị kinh tế trong những năm tới, mà còn ngày càng tin là Trung Quốc sẽ giữ vai trò cường quốc kinh tế số 1. Trong một cuộc điều tra hồi tháng 4, có tới 41% người Mỹ được hỏi cho rằng, Trung Quốc sẽ dẫn đầu thế giới về kinh tế, nhiều hơn đôi chút số người chọn câu trả lời là Mỹ.

Việc các chính trị gia Mỹ sử dụng chủ đề Trung Quốc trong tranh cử diễn ra giữa lúc căng thẳng song phương đang gia tăng xung quanh vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ.

Nhiều người lo ngại, cách làm này có thể gây phức tạp thêm mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Theo ông Robert A. Kapp, nguyên Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, mặc dù hai quốc gia từng có nhiều bất đồng trong quá khứ, nhưng chưa khi nào ông thấy Trung Quốc lại chỉ trích mạnh đối với các chính trị gia Mỹ như những gì mà người Mỹ đang làm.

“Việc đưa một quốc gia khác vào nội dung tranh cử ở giai đoạn nước rút hiện nay cho thấy một cuộc chơi có tính toán. Tôi cho rằng, đây là cách hành xử không đẹp và làm mất đi các giá trị”, ông Kapp phát biểu. Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.

Không chỉ nhắc tới Trung Quốc, một số ứng cử viên còn đề cập tới các quốc gia khác như Ấn Độ hoặc Mexico. Thượng nghị sỹ Barbara Boxer chỉ trích đối thủ Carly Fiorina, nguyên Giám đốc điều hành hãng máy tính HP, là đã tạo hàng ngàn việc làm “cho Thượng Hải thay vì San Jose, cho Bangalore thay vì Burbank”, và “tự hào dán nhãn lên sản phẩm của mình là sản xuất tại Trung Quốc”.

Không phải ngẫu nhiên mà các ứng viên đảng Dân chủ đặc biệt chú trọng việc sử dụng yếu tố Trung Quốc trong công tác tranh cử. Đầu năm nay, những người đứng đầu đảng này, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đã bắt đầu khuyến khích các ứng cử viên trong đảng nhấn mạnh việc phê phán Trung Quốc. Khuyến nghị này được đưa ra sau khi một cuộc điều tra của đảng thực hiện cho thấy, cử tri rất ủng hộ việc cắt chính sách miễn thuế cho các công ty làm ăn tại Trung Quốc.

Hiện rất khó có thể đưa ra một con số chính xác là có bao nhiêu việc làm mới được tạo ra ở Trung Quốc lẽ ra thuộc về nước Mỹ. Tuy nhiên, các chính trị gia của đảng Dân chủ dẫn nghiên cứu của Viện Chính sách kinh tế, một tổ chức nghiên cứu độc lập, khẳng định đã có 3 triệu việc làm bị dịch chuyển từ Mỹ sang Trung Quốc từ năm 2001 tới nay, vì lý do mất cân đối thương mại.

Trong khi đó, cũng dựa trên các nghiên cứu của giới học giả, đảng Cộng hòa lại cho rằng, số việc làm mà nước Mỹ bị mất thực tế nhỏ hơn con số mà đảng Dân chủ đưa ra rất nhiều. Ông Scott Kennedy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị và kinh doanh ở Trung Quốc thuộc Đại học Indiana, nhận định, phần lớn việc làm được bổ sung trong lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc thông qua đầu tư nước ngoài là được dịch chuyển từ Đài Loan, Hồng Kông và Hàn Quốc, chứ không phải từ Mỹ.

Theo các chuyên gia, việc các ứng cử viên nghị sỹ Mỹ sử dụng yếu tố Trung Quốc trong nội dung tranh cử năm nay cũng tương tự như những gì họ đã làm đối với Nhật Bản vào thập niên 1980 trong lĩnh vực sản xuất xe hơi, hay Mexico vào thập niên 1990 trong Thỏa thuận tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Mặc dù đã giảm xuống đôi chút, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vẫn được dự báo sẽ đạt mức 10% trong năm nay, nối tiếp quãng thời gian tăng trưởng 2 con số kéo dài đã 3 thập kỷ.

Hiện các nhà tư vấn cho cả hai đảng vẫn đang theo dõi chặt chẽ các cuộc thăm dò dư luận và phản ứng của cử tri, để tính toán hiệu quả của các nội dung vận động tranh cử có yếu tố Trung Quốc, qua đó xác định sẽ duy trì những nội dung này trong thời gian bao lâu. Tuy nhiên, báo New York Times cho biết, với sức nóng của cuộc khẩu chiến giữa các ứng cử viên xung quanh câu chuyện liên quan tới Trung Quốc, chủ đề này sẽ không sớm bị gác lại.