Trung Quốc có thực sự thay đổi chiến lược trên Biển Đông?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội thảo quốc tế về Biển Đông thứ 13 đã đề cập đến những rủi ro an ninh, đồng thời đưa ra những phương thức để giảm nhiệt căng thẳng tại vùng biển chiến lược.

Tại hội thảo, các chuyên gia khái quát tình hình Biển Đông với vai trò chiến lược trong khu vực và thế giới đã chứng kiến nhiều tranh chấp trong quá khứ cũng như hiện tại.
Lưu ý động thái mới của Trung Quốc 
Điểm lại những diễn biến trên khu vực biển chiến lược thời gian qua, TS Derek Grossman cho rằng Trung Quốc vẫn duy trì những hành động gây quan ngại tại đây, như cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo, bên cạnh những hoạt động gây căng thẳng điển hình như công bố luật hải cảnh hồi tháng 1/2021…
"Các hành động của Trung Quốc tạo ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của họ tại khu vực, trì hoãn nhiều cuộc đàm phán vì các nước thấy những gì Bắc Kinh làm đi ngược lại cam kết của họ", theo nhà phân tích Derek Grossman.
 Hội thảo Biển Đông lần thứ 13 được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Ảnh chụp màn hình
Trong khi đó, ông Kevin Rudd – Chủ tịch, Giám đốc Hiệp hội châu Á; nguyên thủ tướng Australia Kevin Rudd lưu ý biến chuyển trong trọng tâm chiến lược của Trung Quốc, thông qua việc xúc tiến thỏa thuận thăm dò và khai thác tài nguyên chung song phương với các nước trong khu vực.
“Thực chất chiến lược của Trung Quốc với Biển Đông không thay đổi nhưng cách tiếp cận có chút dịch chuyển, thay vì hành vi mang tính độc đoán, cưỡng ép mà đã sang phương thức ngoại giao hơn”, chuyên gia người Australia nói.
Mặt khác, GS Stephen R.Nagy cho rằng việc Trung Quốc chuyển hướng sang các hành động ngoại giao là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên khi đề cập tới cách tiếp cận đối với các quốc gia trong khu vực, ông Nagy cho rằng, các bên liên quan ở Biển Đông còn bao gồm Mỹ, Anh, Australia, châu Âu, họ đều có lợi ích và mối quan tâm tại khu vực Biển Đông – đóng vai trò lớn trong vấn đề hàng hải và quốc tế. Chuyên gia này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực nhằm đưa ra tiếng nói tập thể chung, làm đối trọng với Trung Quốc.
 “Chúng tôi tin rằng việc chia rẽ hay phân cách các quốc gia trong khu vực sẽ chỉ làm tiếng nói của họ yếu đi trong đàm phán với Trung Quốc”, GS Nagy nói.
Vai trò của các thể chế mới
Trước yêu sách của Bắc Kinh, Mỹ và một số nước đồng minh đã đưa tàu quân sự đến khu vực, bác bỏ những tuyên bố vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Các học giả tham dự đã đưa ra những quan điểm khác nhau về vấn đề này.
TS Ding Duo, chuyên gia Trung Quốc được mời đến hội thảo, cho rằng hành động của Mỹ và các nước đang xâm phạm "không chỉ chủ quyền của Bắc Kinh mà còn các bên khác trong khu vực". Chuyên gia Trung Quốc tiếp tục cho rằng tranh chấp Biển Đông là vấn đề giữa Bắc Kinh và các nước ASEAN, nhấn mạnh phán quyết của tòa trọng tài quốc tế và sự can dự của các nước bên ngoài không thể giải quyết được sự phức tạp như hiện nay.
Theo ông Ding, việc Mỹ cùng Anh và Australia thành lập cơ chế an ninh AUKUS đang đặt ASEAN vào thế khó, bị kẹp giữa Trung Quốc và các nước AUKUS. "Nếu có sự can dự từ các nước bên ngoài, các nước ASEAN chỉ có thể là nạn nhân", ông Ding cho biết.
Mặt khác, GS Stephen cho rằng việc đầu tư cho các liên minh như AUKUS hay QUAD sẽ giúp cân bằng và đem lại tiếng nói quan trọng cho các vấn đề an ninh khu vực.
“Sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực là vấn đề đa phương và cần được giải quyết theo cách đa phương. Chiến lược giải quyết của các quốc gia trong khu vực cần dựa trên pháp quyền và được tiếp cận thông qua các thể chế và mang tính ngoại giao”, ông Stephen nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Phó đô đốc Koda Yoji, cựu tư lệnh hạm đội của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, cho rằng vấn đề Biển Đông không phải là chuyện riêng của các nước trong khu vực vì còn ảnh hưởng tới các quốc gia khác. Ông Koda khẳng định việc đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp là không thể và không nên vì đây là chuyện ảnh hưởng đến nhiều nước khác, bao gồm các nước ngoài Biển Đông. Tuy nhiên chuyên gia Nhật Bản cũng cho rằng, Mỹ và đồng minh nên làm rõ ý định với các nước Đông Nam Á, tránh sự hoài nghi và lo lắng nếu thực sự muốn tạo ra cân bằng và hỗ trợ ASEAN.
Tiếng nói của ASEAN ngày càng mạnh mẽ
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đánh giá cao vai trò và hành động của ASEAN trong thời gian qua, đóng góp vào duy trì hòa bình ổn định khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Ông Kevin Rudd mô tả liên kết ASEAN là “mô hình tốt” khi tạo ra một diễn đàn giúp cho các quốc gia trong khu vực trở thành những đối tác liên hệ chặt chẽ. 
“Những ảnh hưởng từ Trung Quốc mặt khác giúp ASEAN xích lại gần nhau hơn và ngày càng có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn đối với các siêu cường trên thế giới”, chuyên gia Australia nhận định.   
Cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natelegawa khẳng định, ASEAN đã và đang nỗ lực đưa ra những giải pháp toàn diện, cố gắng quản lý và kiểm soát những xung đột tiềm năng, không làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
“Trong 1 thập kỷ qua, khối 10 quốc gia Đông Nam Á đã nỗ lực đương đầu với các vấn đề chung, không chỉ là Biển Đông mà còn của khu vực mở rộng như Ấn Độ - Thái Bình Dương, cùng thiết lập những cơ chế, phương thức và tiến trình đa phương nhằm đương đầu với những thách thức đang gặp phải".
Trước những diễn biến mới trên Biển Đông gần đây,  ông Kevin Rudd cho rằng, sức mạnh đàm phán của ASEAN với tư cách là một khối là vô cùng thiết yếu. "Mỗi quốc gia trong ASEAN cần phải đặt ra một bên tuyên bố chủ quyền riêng, đồng thời phối hợp và đoàn kết để mang lại tiếng nói mạnh mẽ hơn", ông Rudd lưu ý.
Việc đoàn kết và thống nhất trong cả 10 nước ASEAN còn giúp đảm nhằm đảm bảo việc tuân thủ và thực hiện đầy đủ các công cụ luật pháp quốc tế, trong đó đặc biệt là Công ước về luật biển của Liên Hợp quốc 1982 (UNCLOS), theo đó không chỉ đóng góp vào sự thống nhất và đoàn kết của khối mà còn mang lại tương lai bền vững và ổn định trong khu vực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần