Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc: Đô thị hóa không đồng nghĩa với bỏ nông thôn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22.12, Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Hàn Trường Phú cho biết, quy hoạch thành thị và nông thôn phải xem xét điều phối chung, đô thị hoá phải dẫn dắt chứ không phải thay thế xây dựng nông thôn mới, hay là "bỏ nông thôn".

Theo Tân Hoa xã, sự phát triển đô thị hoá của Trung Quốc được quan tâm coi trọng cao ở trong nước và nước ngoài. Bộ trưởng Hàn Trường Phú cho biết, từ thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay, tỉ lệ đô thị hoá của Trung Quốc mỗi năm nâng cao hơn 1%, năm 2012 đạt 52,6%, dân số thành thị đã nhiều hơn nông thôn.
Người nông dân Trung Quốc trước sức ép  đô thị hóa
Người nông dân Trung Quốc trước sức ép đô thị hóa
Theo tốc độ này, thêm 20 năm nữa, tỷ lệ đô thị hoá của Trung Quốc có thể sẽ vượt 70%. Nông thôn mới phải là phiên bản nâng cấp của nông thôn chứ không phải phiên bản thu nhỏ của thành thị. "Thành thị và nông thôn phải là một sự hài hoà, nâng đỡ lẫn nhau, không thể có sự chênh lệch quá lớn, cũng không thể không có sự khác biệt, nếu không thành thị sẽ chẳng ra thành thị, nông thôn chẳng ra nông thôn" - ông Hàn Trường Phú nhấn mạnh.
Tân Hoa xã ngày 23/12 đưa tin, TP Thiên Tân - một đô thị lớn cách Bắc Kinh 120 km về phía Đông Bắc đã quyết định sẽ giới hạn số lượng đăng ký xe ô tô trong năm tới là 100.000 chiếc, để hạn chế ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn giao thông. Chính quyền TP Thiên Tân sẽ phân phối 60.000 số biển xe ô tô mới (10.000 biển xe trong số này sẽ được dành cho các phương tiện nào tiêu thụ năng lượng ít nhất) qua con đường bốc thăm và bán đấu giá 40.000 biển xe còn lại.

Theo lý thuyết, đô thị hóa giúp thúc đẩy tăng trưởng vì người dân tại các đô thị thường có thu nhập cao hơn người dân ở các vùng nông thôn, cho phép họ chi tiêu nhiều hơn vào các loại hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Trung Quốc cần tạo được việc làm để thu hút người dân vào các TP mới được xây dựng.

Tiến trình đô thị hoá của Trung Quốc được dự báo sắp bước vào một thời kỳ then chốt. Muốn hoá giải sức ép đặt ra cho các thành thị, Trung Quốc cần phải đi con đường phát triển đô thị bền vững và thích hợp cho sinh sống.

Trước đó, "Báo cáo Phát triển con người Trung Quốc năm 2013" cũng chỉ rõ, từ năm 1978 đến năm 2012, tỷ lệ đô thị hoá của Trung Quốc đã từ 17,9% tăng lên đến 52,6%, tốc độ và quy mô là điều chưa từng có trong lịch sử phát triển loài người.

 Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hoá của Trung Quốc sẽ đạt khoảng 70%, cũng tức là có gần một tỷ người Trung Quốc sinh sống ở thành thị. Từ khi tiến hành công cuộc cải cách mở cửa đến nay, con đường đô thị hoá của Trung Quốc là loại hình quảng canh và vươn rộng, bởi vậy, những vấn đề như không nhịp nhàng, không bền vững, không hài hoà trong tiến trình đô thị hoá đã cản trở nghiêm trọng tiến trình xây dựng văn minh sinh thái của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng, bao gồm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, hoàn thiện hệ thống quản lý đô thị, việc làm, giao thông, nhà ở, tính linh hoạt và an toàn trong dịch vụ công cộng xã hội cơ bản, cuộc sống của lao động nông dân vào TP làm công, sự già hoá dân số, chuyển đổi loại hình kết cấu kinh tế cũng như ô nhiễm không khí và nước. Trung Quốc làm thế nào để tiếp tục hoàn thành xây dựng đô thị hoá của mình sẽ quyết định kết quả giải quyết cuối cùng những vấn đề này.