Kinhtedothi - Nhiều nhận định cho rằng, Trung Quốc có thể đã chuẩn bị cho kế hoạch leo thang căng thẳng trên Biển Đông để phản ứng lại phán quyết dự kiến gây bất lợi cho nước này của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
Trung Quốc xây dựng đường băng phi pháp trên Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 7/7 tới, PCA dự kiến ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý mang tên “Đường chín đoạn” của Trung Quốc. Càng gần tới thời điểm công bố phán quyết, Trung Quốc càng ráo riết huy động sự ủng hộ của các quốc gia trong vấn đề Biển Đông. Cho tới nay chỉ có 8 quốc gia công khai ủng hộ Trung Quốc trong việc này thay vì bản danh sách 60 nước mà quốc gia này vẫn “rêu rao” bấy lâu nay. 8 nước đó bao gồm Afghanistan, Lesotho, Gambia, Togo, Kenya, Niger, Sudan và Vanuatu, đều có vị trí địa lý cách biệt với Biển Đông và gần như không bị ảnh hưởng lợi ích từ tranh chấp này. Đối với họ, chỉ có lợi chứ không hại nếu ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, 5 quốc gia trong danh sách của Trung Quốc đã bác bỏ việc ủng hộ Bắc Kinh, trong đó có 2 thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Từ giờ tới lúc phán quyết của PCA được đưa ra, Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục gom nhặt sự ủng hộ từ các quốc gia khác, tuy nhiên tính tới nay thì con số này vẫn quá khiêm tốn. Trong khi đó, nhằm thể hiện sự ủng hộ tự do, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông, hải quân Mỹ ngày 18/6 đã điều 2 tàu sân bay và các tàu hộ tống tiến hành diễn tập ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Các chiến lược gia Mỹ nhận định, Trung Quốc muốn độc chiếm Tây Thái Bình Dương trong kế hoạch dài hạn. Thông điệp cuộc diễn tập của hải quân Mỹ không có gì để nhầm lẫn và thời điểm được cố ý lựa chọn để gần tới ngày PCA ra phán quyết. Theo GS luật James Kraska thuộc Cao đẳng Hải chiến Mỹ, phán quyết của PCA sẽ không định rõ chủ quyền của vùng tranh chấp thuộc quốc gia nào, tuy nhiên sẽ phủ nhận yêu sách “Đường chín đoạn” qua đó làm suy yếu những lý lẽ chủ quyền của Bắc Kinh và ngầm dành lợi thế cho Philippines và các nước khác có tranh chấp. Bắc Kinh sẽ tiếp tục không công nhận phán quyết và thậm chí đẩy mạnh các hoạt động cải tạo ở Biển Đông và tham vọng thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại đây. Giới phân tích cho rằng, dù Trung Quốc có đưa ra lập luận như thế nào để phủ nhận tính hợp pháp của phán quyết do PCA ban hành thì việc trốn tránh trách nhiệm sẽ “làm hỏng thanh danh và hình ảnh của Bắc Kinh”. Nguy hiểm hơn cả việc Trung Quốc bị mất mặt, còn một cái giá không nhỏ khác đến từ sự ngang ngược của Trung Quốc, đó là tạo ra một tiền lệ xấu cho những tranh chấp chủ quyền tương tự. Giáo sư James Kraska khuyến cáo, Bắc Kinh đang “nêu gương xấu” trong việc không tuân thủ Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Điều đó sẽ làm cho các nước tham gia UNCLOS mất niềm tin ở bản công ước này.