Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc giảm dự trữ bắt buộc với ngân hàng TM

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo quy định mới, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại lớn sẽ giảm xuống còn 21%, trong khi mức tương ứng tại các ngân hàng vừa và nhỏ hạ xuống còn 17,5%.

Nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay và tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 30/11 đã quyết định giảm 50 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong vòng 3 năm qua, trong bối cảnh lạm phát và thị trường bất động sản có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo quy định mới, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại lớn sẽ giảm xuống còn 21%, trong khi mức tương ứng tại các ngân hàng vừa và nhỏ hạ xuống còn 17,5%.

Ước tính, khoảng hơn 62 tỷ USD nguồn vốn sẽ được tung ra thị trường sau quyết định trên.

Nhà kinh tế trưởng Mark Williams tại Capital Economics nhận định, động thái mới của PBoC phản ánh sự thay đổi chính sách quyết đoán của Trung Quốc và dự báo PBoC sẽ còn tiếp tục thực hiện các đợt hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong vài tháng tới để gia tăng thanh khoản cho nền kinh tế.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lian Ping của Ngân hàng Viễn thông Trung Quốc nhận định động thái của PBoC là phù hợp với dự đoán của thị trường.

Việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp giảm căng thẳng tín dụng của các ngân hàng, đồng thời tăng khả năng cho vay của các ngân hàng và ổn định tăng trưởng kinh tế.

Nhìn chung, giới phân tích cho rằng động thái của PBoC là dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc chủ trương ổn định tăng trưởng kinh tế sau khi giải tỏa được áp lực lạm phát, dù chưa thể khẳng định liệu biện pháp mới này có dẫn tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ hay không./.