Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc giảm ngân sách quốc phòng: Giảm chi nhất thời

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc vừa cho thế giới bên ngoài biết lần đầu tiên kể từ 5 năm nay sẽ giảm ngân sách quân sự, quốc phòng từ mức hai chữ số xuống còn một chữ số.

Bên ngoài mới chỉ biết vậy chứ chưa biết cụ thể tỷ lệ tăng giảm bao nhiêu và đặc biệt là con số tuyệt đối như thế nào, lại càng khó có thể so sánh mức ngân sách quân sự, quốc phòng với những hạng mục khác trong ngân sách nhà nước của Trung Quốc.

Dù vậy, việc Trung Quốc cho biết sẽ giảm mức chi tiêu ngân sách quân sự, quốc phòng cũng vẫn đáng được chú ý vì qua đó có thể thấy thực trạng về kinh tế, tài chính và ngân sách nhà nước của Trung Quốc và ý đồ quân sự, quốc phòng của nước này cho năm tới. Nhìn vào bản chất của vấn đề thì có thể thấy được ngay chủ trương này của Trung Quốc chỉ nhất thời. Vì 4 lý do sau.

Thứ nhất, thực trạng kinh tế Trung Quốc hiện tại và cả triển vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai đều không được như Trung Quốc mong đợi và không đáp ứng được mục tiêu phát triển mà Trung Quốc đã đề ra. Trong tình cảnh như thế, nếu cứ tăng cường chi tiêu cho quân sự và quốc phòng bằng mọi giá và bất chấp khả năng chịu đựng của toàn bộ nền kinh tế thì  lợi bất cập hại sẽ là hậu quả tất yếu và không bắt chờ đợi lâu. Hay nói theo cách khác, Trung Quốc hiện chưa đến nỗi không có sự lựa chọn nào khác, nhưng như thế mới tỉnh táo nhất.
Trung Quốc giảm ngân sách quốc phòng: Giảm chi nhất thời - Ảnh 1
Thứ hai, với việc tăng cường vũ trang, đẩy mạnh sử dụng sức mạnh quân sự trong xử lý quan hệ với các đối tác bên ngoài và đặc biệt với việc tăng cường tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đã làm cho thế giới bên ngoài có đủ lý do để thật sự lo ngại và ngày càng có thêm nhiều tập hợp lực lượng về chính trị, pháp lý và cả quân sự,an ninh bất lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc muốn xoa dịu tâm lý lo ngại này và kiềm chế việc bên ngoài co cụm đối phó Trung Quốc.

Thứ ba, cho tới nay, Trung Quốc đã tăng cường vũ trang và hiện đại hoá quân đội đến mức tạm đủ để có thể thực hiện ý đồ chiến lược ở khu vực cho dù chưa đủ để được ngang ngửa với Mỹ. Cho nên dẫu có giảm bớt ngân sách quân sự, quốc phòng thì Trung Quốc vẫn bước tiếp chứ không phải dừng lại trong việc thực hiện những ý đồ chiến lược ấy.

Thứ tư, mức độ tuyệt đối về ngân sách quân sự, quốc phòng tuy rất đáng kể, nhưng việc sử dụng nó còn đáng kể hơn . Tập trung vào cái cần thiết nhất và với hiệu quả thiết thực cao nhất giờ sẽ là cái quyết định đối với Trung Quốc.

Những lý do này cho thấy, Trung Quốc có phần bị bắt buộc thật đấy, nhưng không phải hoàn toàn không có suy tính thức thời và thực dụng trong chuyện này.