Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc lại "vướng" bê bối thực phẩm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chưa đầy một tháng sau thông tin hàng chục nhà máy tại Giang Tây, Trung Quốc bị đóng cửa vì sử dụng hóa chất độc hại để bảo quản trứng bắc thảo, dư luận nước này lại rúng động vì sữa bột có chứa chất gây bệnh tim, chân gà hết hạn sử dụng gần 50 năm được đem ra tiêu thụ.

Theo tờ China Daily, sữa bột dành cho trẻ em của ba hãng sữa đang bán chạy ở Trung Quốc là Baby Club của Beingmate, Super của Synutra và Gold của Yili có chứa chất béo chuyển hóa (trans-fat) có thể gây bệnh tim, nhưng không được thông báo trên bao bì. Theo đó, trong mỗi 100 gram sữa của ba nhãn hiệu trên chứa 0,4 - 0,6 gram axít béo chuyển hóa, nhưng vì sữa bột là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ, nên việc uống sữa mỗi ngày đồng nghĩa với việc lượng chất có hại được đưa vào cơ thể trẻ rất cao. Nếu chất béo chuyển hóa chiếm phần nhiều trong lượng chất béo được đưa vào cơ thể trẻ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não và mắt, thậm chí nếu tiêu thụ trong thời gian dài có thể gây ra các bệnh tim mạch. Điều đáng nói là bao bì của cả ba loại sữa bột này không có bất kỳ một thông tin về chất béo chuyển hóa để các bậc phụ huynh định lượng hàm lượng trans-fat phù hợp, tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
 
Trung Quốc lại "vướng" bê bối thực phẩm - Ảnh 1
Ngành sản xuất sữa bột Trung Quốc mới đây lại phải lao đao khi báo chí cho biết ba loại sữa bột phổ biến tại nước này chứa chất gây bệnh tim. Ảnh: REUTERS

Vụ lập lờ nhãn mác lần này tuy chưa gây quả nghiêm trọng như vụ sữa độc nhiễm melamin khiến 6 trẻ thiệt mạng cách đây 5 năm, nhưng chắc chắn sẽ một lần nữa khiến các tập đoàn sản xuất, kinh doanh mặt hàng này gặp khó khăn. Hiện, người dân Trung Quốc vì mất niềm tin với sữa nội đã chuyển sang dùng sữa ngoại. Tình trạng người đại lục đổ sang HongKong “vơ vét” sữa ngoại khiến chính quyền đặc khu gần đây phải đặt hạn mức sữa mà mỗi khách hàng được phép mua. Trong nước, một số hãng sữa nước ngoài cũng lợi dụng tăng giá tới 30%, buộc chính quyền Trung Quốc phải tiến hành điều tra hành vi độc quyền và thâu tóm giá.

Trong một diễn biến có liên quan, cảnh sát Trung Quốc vừa kiểm tra một cửa hàng thực phẩm bất hợp pháp ở miền Nam nước này và phát hiện kho chân gà hết hạn 46 năm đang được chế biến chuẩn bị tiêu thụ. Số chân gà thối đã được làm sạch, tẩy trắng rồi mang đi tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn đêm. Trong số hóa chất có chất hydrogen peroxide độc hại dùng để "diệt khuẩn, kéo dài thời hạn sử dụng" và làm cho chân gà "trắng hơn, mập hơn". Trước đó, cuộc truy quét hồi tháng 5, cảnh sát cũng phát hiện và tịch thu hơn 20 tấn lòng bò, thịt bò, sụn và nội tạng động vật đã hết hạn sử dụng được tiêm hóa chất để tăng trọng lượng thịt từ 1 tấn thành 1,5 tấn.

Những vụ việc bê bối trên đã nối dài thêm danh sách các vụ bê bối liên quan đến an toàn thực phẩm của Trung Quốc và làm tăng thêm áp lực, trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm và dược phẩm mà Chính phủ đã cam kết. Quan trọng hơn là niềm tin của người dân nước này và các nước khác khiến các mặt hàng thực phẩm do Trung Quốc sản xuất bị tẩy chay ngay trên thị trường nội địa và ngày càng khó xâm nhập thị trường quốc tế.