Và đây sẽ là tiền đề để Bắc Kinh thực hiện âm mưu thiết lập một Vùng nhận diện phòng không (AIDZ) tại khu vực.
Trung Quốc đã thực hiện việc xây dựng các đường băng phi pháp trong hơn một năm qua. Mặc dù giới chức Trung Quốc liên tục khẳng định rằng, các đường băng hầu như sẽ chỉ sử dụng cho mục đích dân sự nhưng đường băng tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam dài 3.000m và đủ điều kiện phục vụ một máy bay ném bom tầm xa và các máy bay vận tải, tạo điều kiện cho một sự hiện diện sâu của Trung Quốc vào trung tâm hàng hải của khu vực Đông Nam Á.
Các nhà nghiên cứu cho hay, việc gia tăng quân sự phi pháp tại khu vực Biển Đông thể hiện rõ ý đồ nhắm đến một khu vực phòng thủ trên không do chính quyền Bắc Kinh kiểm soát. "Tới đây, các máy bay quân sự hạ cánh tại các đảo này sẽ là chắc chắn" - Leszek Buszynski, một học giả của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc phòng, Đại học Quốc gia Australia nhận định và cho rằng, còn khả năng về một khu vực phòng thủ trên không, mặc dù không xảy ra sớm nhưng cũng có tính khả thi trong tương lai khi Trung Quốc đang đẩy mạnh tái cơ cấu quân đội và xây dựng sức mạnh không quân.
Ian Storey - chuyên gia Đông Nam Á tại Viện ISEAS (Singapore) cho biết, kể cả khi Trung Quốc không tuyên bố chính thức về một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), thì chính quyền Bắc Kinh cũng sẽ bảo vệ đường băng và các cơ sở vật chất. Chuyên gia Storey nói: “Khi các công trình này đi vào hoạt động, việc Trung Quốc đưa ra những cảnh báo với cả máy bay quân sự và dân sự sẽ trở nên thường xuyên hơn. Và đây là những tiền đề để Trung Quốc tuyên bố ADIZ, hoặc một ADIZ mặc định mặc dù không có tuyên bố chính thức”.
Điều này đã làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia trong cùng khu vực và Mỹ. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động này của phía Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết, Philippines cũng sẽ có hành động tương tự. “Việc làm này dấy lên lo ngại, Trung Quốc có thể kiểm soát Biển Đông và ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không” - ông Jose nói.