KTĐT - Bác sĩ Li tại bệnh viện Evercare cho biết một ca phẫu thuật thông thường tốn từ 1.500 đến 3.000 USD.
Dù khoác áo bệnh viện, mặt không phấn son và đầy những nét bút của bác sĩ, cô gái trẻ tự nhận là ác quỷ có nhiều nét đẹp theo chuẩn của người Trung Quốc: mắt to, mũi cao và đôi xương gò má mềm mại.
Nhưng xương quai hàm thì sao? Quá vuông so với cô mong muốn.
Vì thế nữ phóng viên truyền hình 22 tuổi này đến Bắc Kinh để gọt cằm.
Chi phí cho ca phẫu thuật là 6.000 USD và được bạn trai cô, một doanh nhân 29 tuổi, chi trả.
“Tôi chẳng sợ chút nào hết”, Devil (tiếng Anh có nghĩa là ác quỷ - tên mà cô tự chọn), cho biết. “Trông tôi sẽ tinh tế và thanh tú hơn”, cô nói khi chờ phẫu thuật tại bệnh viện Evercare Aikang.
Sự thay đổi chóng mặt tại Trung Quốc hiển hiện rõ khắp nơi: từ xe đạp lên ôtô, từ làng lên phố, các kỳ nghỉ tại gia thành các kỳ du lịch trượt tuyết. Và giờ đây, nó thể hiện trên cả những khuôn mặt người. Thứ trưởng Y tế Trung Quốc Ma Xiaowei cho biết chỉ trong một thập kỷ, phẫu thuật thẩm mỹ đã xếp hàng thứ tư trong những mục đích tiêu tiền của người Trung Quốc, chỉ sau nhà, ôtô và du lịch.
Không có con số thống kê chính thức của chính phủ nhưng Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế ước tính rằng năm 2009, Trung Quốc xếp thứ ba thế giới về số ca phẫu thuật làm đẹp, chỉ sau Mỹ và Brazil và trung bình mỗi năm hơn hai triệu ca. Ông Ma cho biết con số này tăng gấp đôi hàng năm. “Chúng ta phải công nhận rằng phẫu thuật thẩm mỹ giờ trở thành dịch vụ phổ biến và nhắm vào số đông”, ông nói.
Ở Trung Quốc, các ca nâng da mặt và xóa nếp nhăn đang là mốt, cũng giống như ở phương Tây. Li Bin, giám đốc đồng thời là người sáng lập của bệnh viện Evercare, cho biết khoảng 40% số bệnh nhân ở độ tuổi đôi mươi. Bệnh viện này có chuỗi cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trên khắp cả nước.
Zhao Zhenmin, tổng thư ký Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc, nói rằng phổ biến nhất là các ca phẫu thuật xẻ mí mắt để trông chúng to hơn. Thứ hai là nâng xương sống mũi để trông chúng cao hơn. Tiếp đến là tái tạo xương hàm, để trông mặt thon gọn hơn.
Nhiều bệnh nhân trẻ tuổi là những người chuẩn bị đi xin việc. Họ muốn tân trang nhan sắc để tăng thế mạnh cạnh tranh trên thị trường lao động. Nhiều bậc phụ huynh tặng quà tốt nghiệp cấp ba hoặc thậm chí tốt nghiệp cấp hai cho con bằng phẫu thuật thẩm mỹ.
Hệ thống quản lý của Trung Quốc không bắt kịp được tốc độ phát triển này. Tại một cuộc hội thảo hồi tháng 11/2000, Thứ trưởng Y tế Ma cho biết tình hình đang bị thả lỏng. Trong số 11 bệnh viện có khoa phẫu thuật thẩm mỹ được thanh tra năm ngoái, chưa đầy một nửa đạt chuẩn quốc gia. Nhân viên thiếu trình độ chuyên môn và thiết bị nghèo nàn.
Ma ví ngành công nghiệp làm đẹp tại Trung Quốc với “khu vực thảm họa” bởi sự cố xảy ra thường xuyên. Ông lấy ví dụ về cô gái 24 tuổi, thí sinh dự thi chương trình truyền hình thực tế Super Girl, chết khi đang được phẫu thuật gọt hàm ở tỉnh Hồ Bắc.
Giới chức y tế yêu cầu điều tra vụ việc đó nhưng Zhao cho biết rất khó thu thập bằng chứng bởi thi thể nạn nhân được hỏa táng ngay, hình thức phổ biến tại Trung Quốc khi các bệnh viện tìm cách giấu sai phạm. “Tôi nghĩ trường hợp đó thật hèn hạ. Chúng ta cần triệt để bảo vệ người dân trong tương lai, Zhao nói.
Những bất cập của hệ thống y tế Trung Quốc không chỉ có trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này mang lại doanh thu 2,3 tỷ USD mỗi năm. Chính phủ giờ đây mới chú ý đến và có thể ban hành quy định mới trong năm nay.
Mục tiêu đầu tiên là ngăn làn sóng bệnh nhân Trung Quốc sang Hàn Quốc phẫu thuật thẩm mỹ. Ma cho biết khoảng 30% số bệnh nhân thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ ở Seoul đến từ Trung Quốc.
Hiện tại, nhiều trung tâm làm đẹp đang tận dụng sự lơ là của cơ quan quản lý. Một phụ nữ 62 tuổi cho biết bà có thể gọi bác sĩ đến xẻ mí mắt tại nhà. Ca phẫu thuật này kéo dài khoảng 20 phút và tốn 180 USD, chỉ bằng một phần so với làm tại bệnh viện. “Ngay lập tức, trông bạn sẽ khác ngay’, bà nói.
Người phụ nữ này thừa nhận việc đó là không được phép. “Nhưng tại sao chúng tôi vẫn làm thế? Bởi vì nhiều người muốn xinh đẹp hơn nhưng chi phí ở bệnh viện cao quá, họ không đủ tiền”, bà nói thêm.
Bác sĩ Li tại bệnh viện Evercare cho biết một ca phẫu thuật thông thường tốn từ 1.500 đến 3.000 USD. Sau khi chỉnh sửa một phần trên khuôn mặt, nhiều bệnh nhân lại muốn chỉnh thêm phần khác. Li cho biết khoảng 30 đến 40% số bệnh nhân này quay lại.
Chen Xiaomeng, một phụ nữ mảnh mai 25 tuổi, nói rằng cuộc phẫu thuật tạo hình mắt hai mí của cô hai tháng trước khiến cô trông đỡ buồn ngủ hơn. Trước đó cô thử dùng miếng dán tạo mí mua ở hàng tạp hóa. Giờ đây, Chen đang tính chuyện nâng mũi.
Cô không giấu đồng nghiệp hoặc bạn bè chuyện đi phẫu thuật. “Phẫu thuật thẩm mỹ giờ phổ biến và được chấp nhận như chuyện thường ngày. Chả có gì to tát cả”, cô nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cởi mở như vậy. Trong văn phòng gần phòng phẫu thuật của Devil, một nữ sĩ quan quân đội bí mật sắp xếp để cho cô con gái 23 tuổi đi gọt cằm. Lúc đầu, bà nói với chồng rằng con gái đi du lịch với bạn. Sau đó, bà gọi điện từ bệnh viện và bảo chồng mang cháo vào cho con vì cô bị viêm họng. Khi người chồng vào viện, ông thấy con gái nằm trên giường bệnh, mặt cuốn đầy băng và nói rất khó khăn.
“Thực ra con bé trông khá xinh, nhưng người Trung Quốc giờ đây muốn phải được hoàn hảo kia. Nếu con bé có xương hàm như của tôi, tôi đã không cho nó phẫu thuật thế này”, bà mẹ nói. Bà cho biết thêm cô con gái đòi mẹ cho đi gọt cằm sau khi thấy bạn cùng lớp có chiếc cằm mới nhờ phẫu thuật. Cuối cùng bà cũng phải đồng ý.
Một nữ nhân viên ngân hàng 23 tuổi từ Hắc Long Giang, phía đông bắc Trung Quốc, cho biết cô suy nghĩ một tuần trước khi thực hiện ca phẫu thuật tốn 15.000 USD để chỉnh xương gò má và cằm. Trước đó, cô định dành khoản tiết kiệm này để mở một quán cà phê. “Đó là quyết định khá nhanh chóng. Tôi rất tò mò muốn xem mặt tôi trông như thế nào”, cô nói khi nằm trên giường bệnh.
Khi được hỏi cô sẽ giải thích với mọi người về khuôn mặt mới như thế nào, cô gái ngừng lại một chút rồi đáp: “Giờ tôi mới nghĩ đến chuyện đó”.