KTĐT - Chính phủ Trung Quốc vừa áp dụng những quy định mới có lợi cho người dân nhằm làm dịu “cuộc chiến” tranh chấp đất đai đang nổ ra dữ đội ở một số địa phương của nước này.
Nghi vấn về các “tai nạn”
Tranh chấp đất đai đã trở thành vấn đề xã hội nhức nhối nhất ở Trung Quốc, khi các quan chức và các công ty xây dựng tìm cách kiếm chác từ sự bùng nổ bất động sản ở nước này. Nhiều người dân đã phải rời bỏ nhà cửa mà không được bồi thường thích đáng. Theo số liệu của Viện Xã hội học Trung Quốc, tranh chấp đất đai chiếm tới 65% số vụ "xung đột lớn" ở nông thôn và vấn đề này cũng rất phổ biến ở đô thị.
Tuần trước, tờ “Trung Quốc nhật báo” dẫn báo cáo của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, cuộc tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền đang là vấn đề gây bất ổn nhất tại nhiều vùng nông thôn của nước này. Theo báo trên, một bà mẹ của hai đứa con bị xe ủi đất cán chết khi đang phản đối một dự án xây dựng ở huyện Chính Dương, tỉnh Hà Nam. Người phụ nữ 38 tuổi này đã thiệt mạng trước sự chứng kiến của nhiều quan chức và nhân viên an ninh tập trung ở hiện trường để ngăn chặn người phản đối.
Tờ báo dẫn lời một số quan chức địa phương nói rằng, đây là một tai nạn và nạn nhân tự ngã xuống bờ kè bên dưới xe ủi. Tuy nhiên, dư luận phản ứng dữ dội khi xem đoạn phim quay lại cái chết thương tâm này trên truyền hình tỉnh Hà Nam và mạng Internet, khi một người biểu tình phản đối vụ việc kể lại lời một quan chức địa phương họ Trương tuyên bố với các công nhân trước lúc xảy ra “tai nạn” rằng: “Giết 8 hay 10 người là không còn ai dám cản trở công việc của chúng ta”. Tuy nhiên, giới chức huyện Chính Dương phủ nhận chuyện này.
Vụ việc trên xảy ra chỉ một tuần sau một vụ việc tương tự tại tỉnh Chiết Giang, khi một trưởng thôn bị một chiếc xe chở vật liệu xây dựng nghiền nát đầu. Nạn nhân này được cho là một trong những người tích cực đấu tranh chống lại việc trưng thu đất đai cho các đề án xây dựng mà không đền bù thỏa đáng. Tương tự như vụ việc ở Hà Nam, chính quyền địa phương tại đây cũng kết luận đó chỉ là một tai nạn.
Không được dùng vũ lực cưỡng bức
Tân Hoa xã cho biết, những quy định mới nhằm chấm dứt việc cưỡng chế phá dỡ nhà bất hợp pháp đã bắt đầu có hiệu lực trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách loại bỏ nguyên nhân lớn nhất gây bất ổn này. Những quy định mới nhằm làm dịu những tranh chấp liên quan đến việc thu hồi đất và phá hủy nhà dân, để xây các công trình mới phát sinh theo tốc độ đô thị hóa chóng mặt ở Trung Quốc.
Các quy định mới có hiệu lực từ ngày 21-1, không cho phép sử dụng vũ lực hoặc cưỡng bức, buộc chủ nhà phải dời đi. Nếu nhà chức trách địa phương không thể đạt được thỏa thuận với người dân về việc thu hồi hoặc bồi thường cho phần đất đai của họ, thì việc phá hủy chỉ có thể thực hiện sau khi đã được tòa án địa phương xem xét và phê chuẩn. Theo một số quan chức thuộc Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị - Nông thôn Trung Quốc, những quy định trước đó cho phép chính quyền địa phương được tự quyết định phá dỡ nhà cửa.