Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung tâm lừa “móc túi” sinh viên

Chia sẻ Zalo

KTĐT - CATP Hải Phòng đã đưa ra khuyến cáo: người dân cần cảnh giác tránh “sập bẫy” các trung tâm giới thiệu việc làm trá hình.

KTĐT - CATP Hải Phòng đã đưa ra khuyến cáo: người dân cần cảnh giác tránh  “sập bẫy” các trung tâm giới thiệu việc làm trá hình. 

Theo Phòng CSĐT tội phạm về TTXH-CATP Hải Phòng, trò lừa đảo này không mới, chiêu thức lừa đảo đã nhanh chóng được sinh viên các trường đại học ở Hà Nội cảnh báo cho nhau. Không còn “đất” hoạt động, bọn tội phạm liền “dạt” về Hải Phòng và các tỉnh, thành phố khác. Các tờ rơi quảng cáo: “20 ngày đón tết Tân Mão cùng Tide và Downy” với nội dung “cần tuyển nhân viên phát quà khuyến mại tại siêu thị cho hãng Omo và Comfort” được rải trước cổng nhiều trường đại học, cao đẳng ở Hải Phòng bắt đầu từ cuối tháng 1-2011. Tờ rơi có ghi rõ: “Cần tuyển một đội ngũ nhân viên phát quà với mức lương cứng 180.000 đồng/ca/người +30.000 đồng tiền phụ cấp, (mỗi ca 2 tiếng). Lương trả theo ca luôn trong ngày, sau ca làm việc, không phí đặt cọc...”.

Em Vũ Hạ Long, sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Hàng Hải, Hải Phòng cho biết: Khi phát hiện tờ rơi trên ở cổng trường, Long đã liên lạc với số ĐT 094302… ghi trên tờ rơi và một người tự xưng là Hải (quản lý nhân sự) khẳng định không cần gì hết, chỉ mang theo photo CMND là đủ. Tin lời, ngày 17-1, Long và 2 người bạn học cùng trường đã lần theo địa chỉ ghi trên tờ rơi, tìm đến một địa chỉ trên phố Minh Khai, Hà Nội - trụ sở của Công ty. Một thanh niên tự xưng tên Hải cho biết đây chỉ là trung tâm giới thiệu việc làm rồi yêu cầu mỗi người phải đóng 250.000 đồng tiền lệ phí hồ sơ để được giới thiệu qua công ty.

Đến hôm sau, khi Long cùng nhóm bạn quay lại đóng đủ lệ phí liền được dẫn tới một công ty khác cũng có trụ sở tại phố Minh Khai, Hà Nội. Tiếp đó, người môi giới thẳng thừng tuyên bố hết trách nhiệm. Tại đây, người đến xin việc lần nữa phải móc hầu bao 150.000 đồng đóng cho công ty gọi là tiền đảm bảo không trốn việc và đảm bảo hàng được phân phát. Cứ như vậy, những sinh viên tới xin việc lần lượt bị đưa vào “ma trận”… Có điều, số tiền nộp lệ phí, tiền đảm bảo đều không có được giấy biên nhận!? Khi các thủ tục đã hoàn tất, nhóm Long nhận 1 mã số và được yêu cầu nhận 1.000 tờ rơi (đã được đánh mã số) với nội dung như trên về Hải Phòng rải. Nếu những tờ rơi của nhóm có phản hồi tức là có người cầm tờ rơi được đánh mã số của nhóm lên công ty xin việc thì 3 sinh viên trên sẽ được tăng lương.

Khi về đến Hải Phòng làm đúng theo yêu cầu của nhân viên công ty nhưng chờ mãi, 3 chàng sinh viên này vẫn không thấy gọi đi làm. Sốt ruột, nhóm sinh viên liền liên lạc với “nhân viên” công ty thì được trả lời “Hải Phòng chưa đủ nhân viên”. Rồi từ đó đến nay, khi những sinh viên này liên lạc với số ĐT 0943023345 thì đầu dây bên kia đều trả lời nhầm số… Khi lên các diễn đàn của sinh viên, Long cùng 2 người bạn mới phát hiện ra, đã có không ít bạn sinh viên ở các trường đại học trên địa bàn Hà Nội cũng bị công ty môi giới việc làm “ma”, sử dụng chiêu thức này “móc túi”…