Nhận định trên được bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2015 vừa diễn ra (9/12), nhằm giải thích cho tình trạng ảm đạm của nhiều trung tâm thương mại, mua sắm lớn tại Việt Nam. Cùng với đó là thói quen mua sắm, tình hình tài chính hạn hẹp ... của người tiêu dùng cũng là những yếu tố khiến không ít trung tâm dạng này đã phải đóng cửa ngừng hoạt động do doanh thu không bù đắp nổi chi phí bỏ ra.
Theo bà Loan, người tiêu dùng Việt phần đông vẫn ưa chuộng các loại hình bán lẻ truyền thống như siêu thị, chợ, cửa hàng tư nhân ... còn đối với các trung tâm thương mại, mua sắm thì thường được coi là nơi đến xem hàng và thường không có nhu cầu mua sắm tại đây. Ngoài ra cũng không ít người mang nặng tâm lý rằng các trung tâm dạng này thường chỉ bán những sản phẩm xa xỉ và chỉ phục vụ cho những khách hàng có tiền.
Quy hoạch tổng thể về phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011-2020 của Bộ Công Thương đã đặt ra mục tiêu đưa tỷ lệ các loại hình bán lẻ hiện đại lên 40% vào năm 2020, nhưng với tình trạng kinh doanh trầy trật của những trung tâm thương mại, mua sắm như hiện nay điều này rất khó trở thành sự thật, tính đến hiện tại tỷ lệ này mới chỉ đạt khoảng 28%, bà Loan chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Loan khẳng định, các trung tâm dạng này cũng không hoàn toàn "vô can" khi để xảy ra tình trạng hiện tại. Có thể thấy qua việc, mặc dù tình trạng kinh tế suy thoái, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhưng nguồn cung bán lẻ tại các trung tâm thương mại, mua sắm vẫn khá cao khiến không chỉ người mua mà ngay cả DN cung cấp sản phẩm cũng rất khó tiếp cận.
Chính vì vậy, không chỉ phải đối diện với việc yêu cầu thay đổi thói quen của người tiêu dùng, những trung tâm này còn cần giải quyết được bài toán khi tập khách hàng của mình đang dần bị phân tán qua các kênh mua sắm online, thương mại điện tử. Các kênh này hạn chế được khá nhiều chi phí mặt bằng, qua đó với cùng một sản phẩm nhưng lại có mức giá rẻ hơn đáng kể so với trung tâm thương mại, bà Loan nói.
Mặt khác, nhiều trung tâm cũng chưa có chiến lược quảng bá hình ảnh cũng như thu hút khách hàng, chưa thể hiện được với người tiêu dùng rằng các địa điểm này không chỉ là nơi mua sắm mà còn là nơi vui chơi, giải trí, ẩm thực ... bà Loan chia sẻ.
Trong quãng thời gian 2014 - 2015, ngay tại Hà Nội đã chứng kiến nhiều trung tâm thương mại, mua sắm lâm vào tình trạng tạm thời đóng cửa hoặc ngừng hẳn kinh doanh do khó khăn tài chính như Hàng Da Galleria, Grand Plaza, Mipec Tower hay Parkson Landmark.
Mặc dù chỉ ra thực tế khá èo uột của các trung tâm thương mại, mua sắm nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, mô hình này sẽ vẫn là xu hướng của ngành bán lẻ trong nước vào thời gian tới. Các yếu tố như sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, quá trình đô thị hóa, được tích hợp thêm nhiều tiện ích, nhu cầu sử dụng sản phẩm chất lượng cao ... sẽ là những yếu tố giúp các trung trung tâm thương mại phát triển mạnh, bà Loan khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Dương Duy Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng bày tỏ tin tưởng kênh bán lẻ hiện đại như trung tâm thương mại, mua sắm sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới.
Tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng/GDP của Việt Nam đang là 70%, trong đó chiếm 90% là tiêu dùng cá nhân; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng gần 20% trong 5 năm trở lại đây, luôn cao gấp 3 lần so với GDP ... là những con số được ông Hưng đưa ra nhằm nhấn mạnh thị trường bán lẻ trong nước đang có vai trò rất quan trọng và còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.
Ông Hưng cho biết, tính đến hết 2013, trên cả nước có 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại, dự kiến tới năm 2020. Theo đúng “Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến 2020 và tầm nhìn đến 2030” của Bộ Công thương, con số này sẽ tăng lên khoảng 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.
Đưa ra dự báo tại Diễn đàn, bà Châu Ngọc Hạnh đại diện Nielsel Việt Nam, cho biết, tới năm 2020, tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện tại và đây chính là tập khách hàng tiềm năng cho các trung tâm thương mại, mua sắm.
Nhu cầu mua sắm trực tuyến và nhận hàng tại nhà của người tiêu dùng Việt đang tăng cao, không chỉ các nhà bán lẻ mà ngay cả những trung tâm thương mại, mua sắm cũng cần thay đổi phương thức bán hàng để phù hợp với xu hướng này. Thị trường bán lẻ hiện tại sẽ chỉ có cơ hội cho những đơn vị sẵn sàng thay đổi để thích nghi chứ không hoàn toàn chỉ dựa vào lượng tài chính lớn, bà Hạng đưa ra lời khuyên.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư bán lẻ Việt Nam: Người tiêu dùng Việt thích xem hơn mua khi tới các trung tâm thương mại
|
Theo báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu thị trường CBRE về xu hướng người tiêu dùng Việt Nam. Có tới 50% số người được hỏi cho rằng họ sẽ mua sắm trực tuyến thay vì đến các trung tâm thương mại. Còn số này còn lên tới 70% đối với người tiêu dùng trong độ tuổi từ 55 đến 64. Trong khi đó chỉ có 25% cho biết họ sẽ đến tận nơi để xem sản phẩm. Điều này cho thấy rõ các trung tâm thương mại, mua sắm cần phải lưu ý tới cạnh tranh đến từ loại hình thương mại trực tuyến. |