Trước khúc cua cuối cùng

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những cử tri Mỹ còn do dự - nằm ngoài con số hơn 30 triệu người đã đi bỏ phiếu sớm - sẽ có cơ hội cuối cùng để nghe Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden trực tiếp đối đáp lập trường, trong cuộc tranh luận vào tối 22/10 (giờ Mỹ - sáng 23/10 theo giờ Việt Nam).

Người dân Mỹ xem truyền hình trực tiếp cuộc tranh luận Tổng thống 2020 đầu tiên hôm 29/9. Ảnh: WSJ
Ông Trump sẽ có giọng điệu mới?
Đêm tranh luận Tổng thống lần này diễn ra ở Nashville, bang Tennessee, vốn là cuộc đối đầu trực tiếp thứ 3 của hai ứng viên. Nhưng đêm thứ 2 được lên lịch vào ngày 15/10 vừa qua đã bị hủy bỏ, sau khi Tổng thống Trump được chẩn đoán dương tính với Covid-19, nhưng từ chối tham gia một cuộc tranh luận trực tuyến với ông Biden.

Như vậy, kể từ cuộc tranh luận đầu tiên vào đêm 29/9 tại Cleveland - sự kiện đánh dấu điểm phần trăm ủng hộ ông Trump sụt giảm trong các cuộc thăm dò ngay sau đó - sân khấu ở Nashville trở thành “khúc cua cuối cùng”, đặt ra loạt câu hỏi về các diễn biến có thể chi phối kết quả Ngày bầu cử, diễn ra trong chưa đầy 2 tuần nữa.

Lịch sử các đời Tổng thống tiền nhiệm nước Mỹ thường tỏ ra bối rối trong cuộc tranh luận đầu tiên cho chiến dịch tái đắc cử của họ - điều mà theo giới chuyên gia nhận định là bởi, dường như sau 4 năm ở Nhà Trắng, họ không quen với việc bị thách thức.

Hầu hết các cuộc thăm dò đã cho thấy, cử tri tin rằng ông Biden đã thắng trong cuộc đối mặt trực tiếp ở Cleveland hôm 29/9, khi ông Trump bị chỉ trích vì giọng điệu hiếu chiến và thường xuyên cắt lời đối thủ. Do đó trước thềm cuộc tranh luận lần này, một số đồng minh của Tổng thống đang hy vọng được thấy một cách tiếp cận khác, thậm chí sẵn sàng cho vị cựu Phó Tổng thống không gian để phạm sai lầm.

“Họ nói nếu bạn để ông ấy (Joe Biden) nói chuyện, ông ta sẽ mất tập trung suy nghĩ vì ông ta vốn là người quá lố. Và tôi hiểu điều đó”, ông Trump nói trên Fox News hôm 20/10, “cứ tưởng tượng như thể một đoàn tàu, mà nhiều người cho rằng cứ để cho ông ta nói, rồi ông ta sẽ mất lái và đánh mất cả đoàn tàu”.

Liệu, có vì một tính toán chiến lược như vậy, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ cho thấy giọng điệu hoàn toàn mới, với sự kiềm chế, tập trung và chất lượng hơn, từ đó thu hút những đánh giá tích cực hơn từ nhóm cử tri còn do dự?

Ông Biden không cần thắng?

Thay vì là cơ hội như với trường hợp của đối thủ, cuộc tranh luận chưa đầy 2 tuần trước Ngày bầu cử 3/11 được cho có thể là trở ngại lớn cuối cùng mà ông Biden phải vượt qua, dù không phải là một rào cản quá lớn.

Nếu các cuộc thăm dò chính xác, ứng viên đảng Dân chủ được tin không nhất thiết phải thắng trong cuộc tranh luận cuối cùng - không cần hạ gục đối thủ và cũng không cần phải giành được phiếu của nhóm cử tri chưa quyết định - mà chỉ cần không để thua một cách đáng xấu hổ. Tóm lại với Joe Biden, miễn là ông không lỡ lời hoặc làm bất cứ điều gì có thể khiến cử tri lo ngại về tuổi tác hay tinh thần thể lực của bản thân trong màn đấu cuối, đó sẽ là thành công với chính trị gia 77 tuổi.

Đội ngũ của chiến dịch Biden thậm chí tự tin rằng, bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc tranh luận kéo dài 90 phút tối 22/10 cũng sẽ nhanh chóng bị lu mờ bởi cuộc chiến thường nhật với đại dịch của nước Mỹ.

“Về cơ bản, không có gì trên sân khấu tranh luận lần này có thể thay đổi cuộc đua. Sau khi mọi người tắt tivi, họ vẫn sẽ sống trong một thực tại được định hình bởi thất bại Covid-19 của Donald Trump”, một cố vấn giấu tên của cựu Phó Tổng thống Biden nói với NBC News.

Khó tránh chủ đề Hunter Biden?

Các nghi vấn về sai phạm trong giao dịch kinh doanh ở Ukraine của con trai ông Biden - Hunter Biden - từng xuất hiện chớp nhoáng trong cuộc tranh luận đầu tiên. Ứng viên đảng Dân chủ lúc đó đã mạnh mẽ đẩy lùi các cuộc tấn công của đối thủ vào người thân, nói rằng những cáo buộc của ông Trump, về việc cựu Phó tổng thống trong thời gian đương nhiệm đã lợi dụng quyền lực để giúp con trai, là “hoàn toàn vô căn cứ”.

Tuy nhiên ngay trước thềm cuộc đối đầu cuối, truyền thông Mỹ nóng lên nhiều email chứa thông tin nhạy cảm, được tìm thấy trong máy tính xách tay cá nhân của ông Hunter. Giới quan sát dự báo, ông Biden sẽ khó để gạt chủ đề này khỏi sân khấu tối 22/10 với ông Trump. Trong khi đó, Tổng thống đương nhiệm của đảng Cộng hòa không ngừng kêu gọi “bắt nhốt” gia đình ông Biden tại các cuộc vận động chiến dịch của mình, cáo buộc ứng viên đảng Dân chủ “tham nhũng” và gia đình ông là “một doanh nghiệp tội phạm”.

“Joe Biden cần nghiêm túc trả lời vấn đề này, đặc biệt là khi ông không bác bỏ nó và chiến dịch của ông ấy cũng nói rằng họ không nghi ngờ tính xác thực của những email đó”, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Ronna McDaniel nói trên Fox News.

Chiến dịch Biden trước đó đặt ra nghi vấn, vụ rò rỉ từ máy tính của Hunter Biden có thể là một phần của chiến dịch thông tin sai lệch của Nga, nhằm can thiệp vào bầu cử Mỹ, đồng thời cực lực bác bỏ một chi tiết trong bê bối là việc ông Biden đã thay mặt con trai mình để gặp một đối tác kinh doanh.

“Các cuộc điều tra của báo chí và thậm chí của 2 ủy ban Thượng viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo… đều đã đi đến kết luận giống nhau rằng, Joe Biden đã thực hiện chính sách của Mỹ đối với Ukraine mà không có hành động sai trái nào”, phát ngôn viên Andrew Bates của chiến dịch Biden nói trong một tuyên bố.

Các quy tắc và thông lệ sẽ được đảm bảo?

Một quy định mới trong cuộc tranh luận lần này là micro của mỗi ứng viên sẽ bị tắt trong 2 phút mà ứng viên còn lại được phép bắt đầu chủ đề. Mỗi phần tranh luận theo chủ đề được người điều hành đặt ra thường kéo dài 15 phút, và micro của cả 2 ứng viên vẫn sẽ cùng được bật trong khoảng 10 phút còn lại. Theo Ủy ban Tranh luận, điều này sẽ giúp chương trình ít bị gián đoạn - như những gì mà người ta đã chê trách về buổi tranh luận hôm 29/9.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là ứng viên không thể lên tiếng khi họ không được phép, mà chỉ là bất cứ điều gì họ nói một cách phạm quy sẽ không được phát cho người xem truyền hình. Ông Trump đã ca ngợi sự thay đổi, nhưng một số thành viên đảng Dân chủ lo lắng rằng Tổng thống có thể lợi dụng điều này để đánh lạc hướng ông Biden trên sân khấu khi ông đang phát biểu.

Liên quan đến việc tuân thủ quy định, một thông lệ của bầu cử Mỹ bị Tổng thống đương nhiệm để ngỏ cũng đang gây nhiều lo ngại, đặc biệt là phía đảng Dân chủ. 4 năm trước, trong cuộc tranh luận cuối cùng giữa ứng viên Donald Trump và đối thủ Dân chủ Hillary Clinton, ứng viên Cộng hòa đã khiến mọi người choáng váng khi từ chối nói liệu ông có chấp nhận kết quả bầu cử nếu thua cuộc hay không.

“Tôi sẽ nói với bạn vào thời điểm đó. Tôi sẽ khiến bạn hồi hộp”, ông Trump nói lúc bấy giờ, khiến bà Clinton tức giận đáp trả: “Điều đó thật kinh khủng. Đó không phải là cách mà nền dân chủ của chúng ta hành động”.

Những lo ngại đó vẫn tiếp tục bị mổ xẻ sau khi ông Trump giành chiến thắng. Nhưng giờ đây, ông cũng đưa ra những tuyên bố tương tự, và lần này ông còn là Tổng thống đương nhiệm, với tất cả quyền lực lãnh đạo đi kèm. Do đó, những lo ngại trở nên phức tạp hơn, dự báo có khả năng ảnh hưởng đến phản ứng của thị trường, kích động xung đột giữa các nhóm ủng hộ và thậm chí là khả năng gây ra bạo lực tại một quốc gia vốn chia rẽ sâu sắc như nước Mỹ.
Cuộc tranh luận tiếp theo này rất quan trọng đối với Tổng thống Trump nếu ông ấy muốn xoay chuyển tình thế.

Chiến lược gia Alex Conant của đảng Cộng hòa

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần