Rất nhiều quan điểm được bày tỏ về cách xử phạt của nhà trường, tư cách đạo đức của HS…, song điều quan trọng nhất hiện tại là câu hỏi: Làm thế nào thể hạn chế được tình trạng này khi không thể cấm HS tham gia facebook?
Bàn về vấn đề này, không chỉ những người trong nghề, mà rất nhiều phụ huynh nhắc đến việc trường THPT Lương Thế Vinh đưa ra 4 điều “cấm kỵ” HS khi dùng facebook, gây nhiều tranh cãi cách đây 2 năm. Ở thời điểm này, rất nhiều người thừa nhận, cách làm này thực sự cần thiết để quản lý và giám sát HS trong trường. Đúng như PGS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường lý giải: “Chúng tôi dùng từ “cấm kỵ” trong dấu nháy bởi đó là cách hạn chế các em một số điều xấu không nên làm khi dùng facebook chứ không phải cấm dùng facebook, bởi đây là quyền cá nhân riêng tư của các em”. PGS Văn Như Cương cũng cho biết, hai năm qua, những điều “cấm kỵ” này ít nhiều đã kiểm soát được sự lộn xộn qua facebook, giúp mối quan hệ giữa HS và với nhà trường tốt hơn. Thực tế, đây cũng là mong muốn và mục đích của các nhà trường trong thời điểm các trang mạng xã hội phát triển đáng ngại, ngoài những thông tin hữu ích, còn “kéo” HS vào những hành vi xấu làm ảnh hưởng đến bản thân cũng như người khác.
Lật giở lại 4 điều “cấm kỵ” khi lên facebook mà lãnh đạo trường Lương Thế Vinh “gửi” HS của mình thấy dường như khá trọn vẹn để nhắc nhở các bạn trẻ hạn chế những lời lẽ thiếu văn hóa ở “chốn đông người” này. Cụ thể: Tuyệt đối không nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt; Tuyệt đối không dùng facebook để nói xấu bất kỳ ai; Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung. Cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh; Phải viết status rõ ràng, không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status. Và đáng nói hơn cả là phần “lưu ý” vừa như chia sẻ, động viên lại vừa như răn đe nằm phía dưới 4 “điều luật” mà các thầy gửi cho trò. Ở đó nhà trường đề cao sự thông minh, hiểu biết của HS và khuyến khích các em thể hiện sự thông minh, hiểu biết của mình qua cách dùng facebook.
Có lẽ với một quy định không dài dòng, vừa “rắn” nhưng cũng lại “ngọt” này, bước đầu cũng đủ để dạy HS sử dụng facebook một cách đúng cách. Và như PGS Cương chia sẻ, nhà trường soạn thảo quy định rồi đưa ra lấy ý kiến chi đoàn các lớp. Khi HS đóng góp ý kiến, được tham gia soạn thảo quy định cho mình sẽ đồng tình thực hiện quy định. Đây là lời gợi cho việc nhà trường “chỉnh đốn” HS sử dụng mạng xã hội.
Ảnh minh họa
|