Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường học ở ngoại thành: Bao giờ hết cảnh tạm bợ?

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Còn chưa đầy 2 tuần nữa, học sinh (HS) sẽ bước vào năm học mới 2016 - 2017. Tuy...

Kinhtedothi - Còn chưa đầy 2 tuần nữa, học sinh (HS) sẽ bước vào năm học mới 2016 - 2017. Tuy nhiên, tại một số huyện ngoại thành của Hà Nội, thầy và trò vẫn đang đối mặt với cảnh tạm bợ, chắp vá, thậm chí nguy hiểm bởi lớp học xuống cấp, nứt lở, thấm dột; rồi cảnh học nhờ, học tạm vì thiếu phòng học.

Đã thiếu…

Tại một số trường như Mầm non Kim Lũ, Mầm non Xuân Thu, Tiểu học Việt Long (huyện Sóc Sơn), Mầm non Quang Minh B và Tiểu học Tự Lập A (huyện Mê Linh)..., nơi thì tận dụng phòng chức năng làm phòng học, nơi thì đi mượn địa điểm bên ngoài. Thế nên một trường mà có tới 2 - 3 điểm lẻ, tình trạng thiếu phòng học triền miên từ năm này sang năm khác.
Điểm lẻ trường Mầm non Kim Lũ, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Trung Anh
Điểm lẻ trường Mầm non Kim Lũ, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Trung Anh
Bà Nguyễn Huyền Hải - Hiệu trưởng trường Mầm non Kim Lũ (xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn) cho biết, tổng số 1.340 trẻ có nhu cầu ra lớp, tuy nhiên trường mới đáp ứng được 765 học sinh, có 15 lớp, nhưng chỉ 10 lớp được học ở trung tâm, còn lại chia ở 2 điểm lẻ. Ngay lớp học ở trung tâm cũng chật chội, một lớp tới 75 cháu, nhưng cũng chỉ 3 cô giáo/lớp, lớp 55 cháu thì 2 cô giáo. 2 điểm lẻ cách trường hơn 3,5km, rất khó quản lý. “Trường đề xuất xin đất xây dựng thêm một trường ở điểm lẻ, xã đã quy hoạch dành 8.000m2 để xây trường, nhưng chưa có kinh phí” - bà Hải bày tỏ. Ngay cả phụ huynh HS ở đây cũng nóng lòng ngóng đợi nhà trường tổ chức ăn bán trú cho trẻ để gia đình khỏi mất công đưa đón nhiều lần. Nhưng “có những lớp học 14 - 15m2 mà có đến hơn 30 cháu, mưa một chút đã dột, nước ngoài sân ngập đến đầu gối, quanh năm ẩm thấp… lấy đâu điều kiện để tổ chức bán trú cho trẻ” - chị Nguyễn Thu Hương, gửi con ở trường Mầm non Kim Lũ thật thà.

Trường Mầm non Xuân Thu (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn), thì nhìn bề ngoài có vẻ khang trang hơn, song tình trạng thiếu phòng học cũng chẳng khác Kim Lũ. Trường có 615 trẻ nhưng chỉ có 10 phòng học. “Điều tra thực tế, trẻ trong độ tuổi mầm non là 1.363 cháu, nhưng trường chỉ đáp ứng được cho 615 trẻ. Cơ sở vật chất xuống cấp, 4 lớp học được Tổ chức Plan tài trợ từ năm 2005, giờ trần đã bị nứt, dột; khu chính xây từ năm 2010 cũng xuống cấp” - bà Trần Thị Vui - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn cũng thừa nhận tình trạng thiếu phòng học ở huyện, đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học. Dù huyện đã ưu tiên cho giáo dục, tới mức 60 – 70% tổng đầu tư dành cho xây dựng của huyện tập trung cho trường lớp, nhưng mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu.

… Lại còn xuống cấp

Phòng học đã thiếu, ở một số nơi lại đang đối mặt với sự xuống cấp trầm trọng: Trường lớp rạn nứt, bung vữa trần, thấm dột khi gặp mưa... Trụ sở chính của trường Tiểu học Việt Long (xã Việt Long, huyện Sóc Sơn) có khuôn viên rộng nhưng chỉ có 16 lớp học với 450 HS. Một số lớp trong đó cứ trời mưa là dột, nước đọng thành vũng trong lớp; hành lang và sân trường thì gạch vỡ lổn nhổn, gồ ghề, khu hiệu bộ cũng nứt vỡ, xuống cấp. Trường có thêm một điểm lẻ, song cũng đang chung cảnh xuống cấp với trụ sở chính. Bà Nguyễn Thị Vọng - Hiệu trưởng nhà trường thành thật: “Cửa sổ đóng nguyên không dám mở vì sợ rơi, việc này ảnh hưởng đến ánh sáng lớp học. Điểm chính có 8 phòng học bị dột, tường bao quanh trường 20m sắp đổ... Cả khu trung tâm lẫn khu lẻ đều không có phòng chức năng; y tế, đoàn đội, tài vụ... tất cả gom vào một phòng chưa đến 8m2”.

Chung cảnh xuống cấp, toàn bộ lan can tầng 2 của trường Tiểu học Tự Lập A (huyện Mê Linh) đang nứt vỡ, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Hệ thống cánh cửa cũng đã mục, hệ thống điện thì “dọa” chập cháy do ngập trong nước lâu... Trường có 2 dãy nhà với 20 phòng học, chưa có phòng chức năng, trong đó, một dãy nhà 8 phòng học đã xuống cấp. Mỗi lần mưa không thể dạy - học được vì nước dột từ trần xuống…

Năm học mới lại cận kề, mong mỏi của những người làm nghề trồng người ở ngoại thành không gì khác hơn là được quan tâm, được sớm đầu tư kinh phí để khắc phục tình trạng tạm bợ trường lớp hiện tại.