Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường mầm non trong khu công nghiệp: Vẫn là... ước mơ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ước mơ nhỏ nhoi của bao gia đình công nhân trong các khu công nghiệp (KCN) Hà Nội là được gửi con ở trường công, được chăm sóc ngang bằng về giáo dục, vẫn không dễ thành hiện thực.

Dù các cuộc bàn thảo về nâng cao đời sống người lao động gần đây liên tục được tổ chức, nhưng vấn đề vẫn chỉ… để bàn.

Loay hoay tìm chỗ gửi con

Theo lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội, lao động nữ tại các KCN phần đông ở độ tuổi sinh đẻ (từ 18 - 30 tuổi), nhưng hơn 15 năm qua, từ ngày KCN đầu tiên đi vào hoạt động đến nay, chưa một khu nào có nhà trẻ, trường mầm non cho con em công nhân. Việc gửi con trông chờ vào hệ thống trường lớp sẵn có của địa phương hoặc các lớp, nhóm tư thục. Mà trong tình trạng quá tải hiện nay, một suất học cho con công nhân càng khó khăn.

Chị Thanh Hằng đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long kể, mấy năm trước, chị mang theo con trai 4 tuổi, nhưng loay hoay mãi mới xin gửi được ở một nhóm trẻ gia đình. Do việc chăm sóc kém, cháu cứ ốm suốt, cuối cùng chị đành gửi con về quê. Đây cũng là hoàn cảnh chung của nhiều nữ công nhân khác. Có người cho rằng, dù có xin được vào trường công lập gần nơi thuê nhà cũng không thể theo được giờ đưa đón. Bởi công nhân phải đi làm ca, không thể ngày nào cũng có thể 8 giờ đưa con đi, 16 giờ 30 đón con về.

Trường mầm non xã Kim Chung, một trong những xã có tỷ lệ người lao động đang làm việc trong các KCN lớn nhất của huyện Đông Anh, đã nhận hơn 100 con em gia đình công nhân theo học trong tổng số hơn 800 học sinh toàn trường. Một lớp trung bình 42 cháu, biết là quá tải nhưng trường vẫn phải tìm mọi cách tăng giáo viên đứng lớp, cơi nới thêm phòng học. Bà Dương Thị Sáu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Anh cho biết, thực tế số lượng con công nhân còn khá lớn nhưng nhà trường không thể tiếp nhận được hết nhu cầu. "Nghe nói tại KCN Bắc Thăng Long sẽ có 2 điểm trường mầm non được xây dựng, với diện tích 10.000m2, nhưng nghe nói vẫn chỉ là… nghe nói" - bà Sáu cho hay.

Tại KCN Phú Thị (huyện Gia Lâm), hầu hết công nhân có con nhỏ phải gửi về quê nhờ người thân chăm giúp, vì các trường mầm non công lập xung quanh KCN này đã quá tải. Do nhu cầu quá lớn nên ngày càng có nhiều điểm giữ trẻ tự phát xuất hiện xung quanh các KCN, nhưng chất lượng những cơ sở này chưa ai kiểm định.

Cần sự chung tay               

Theo thống kê, KCN Bắc Thăng Long có hơn 5 vạn người, trong đó công nhân nữ khoảng 4 vạn người. Khoảng một vạn nữ công nhân trong số này lập gia đình, nghĩa là trong vòng vài năm tới, tại đây sẽ có hàng vạn trẻ ra đời. Đã đến lúc phải quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường mầm non cho con em công nhân.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội cho biết, nhu cầu chỗ học cho con công nhân đang rất bức thiết. Năm 2011, LĐLĐ cũng chủ trương đầu tư thí điểm trang thiết bị dạy học và chăm sóc trẻ cho một cơ sở mầm non dành cho con công nhân nhập cư làm việc tại KCN. Tuy nhiên, việc này rất khó khăn, đến giờ chưa có địa chỉ nào có thể thực hiện đầu tư đó.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, trước đây, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã thành lập nhà trẻ, trường mẫu giáo để hỗ trợ điều kiện làm việc cho công nhân. Để thu hút cũng như đáp ứng được điều kiện làm việc lâu dài cho người lao động, nhất thiết các doanh nghiệp phải thành lập, xây dựng trường. Ngành giáo dục sẽ chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn, đội ngũ giáo viên giúp cho những trường học này trong quá trình hoạt động. Như vậy, vừa chăm lo được quyền lợi, nhu cầu chính đáng của người lao động, vừa giảm được gánh nặng quá tải cho các trường mầm non công lập trên địa bàn. Doanh nghiệp cần chung tay cùng ngành giáo dục, chứ không thể chất thêm sức ép lên ngành giáo dục.

Tại hội thảo quốc gia về nhà ở cho công nhân diễn ra mới đây tại Bình Dương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng, một trong những giải pháp để phát triển các dự án nhà ở cho công nhân tại các KCN-KCX là cần ban hành chế tài bắt buộc các chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm, nghĩa vụ về nơi ở với lao động của mình.

Nếu được như vậy, doanh nghiệp sẽ phải tích cực chung tay với các cấp, ngành chăm lo hơn nữa mọi mặt đời sống của công nhân, trong đó có môi trường học tập cho con của người lao động, và ước mơ của bao gia đình công nhân trong KCN sẽ thành hiện thực.

Hà Nội có 8 KCN đã đi vào hoạt động, 7 khu đang triển khai, 3 khu đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Từ nay đến 2015, tổng số công nhân tại các KCN tập trung khoảng 415.000 người và tại các khu cụm công nghiệp khoảng 50.000 người, trong đó tỷ lệ lao động ngoại tỉnh chiếm khoảng 50%.