Trường nghề tìm hướng đi riêng
Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường nghề tìm hướng đi riêng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tình trạng thiếu lao động tay nghề cao đang là vấn đề bức xúc của doanh nghiệp. Nhưng thu hút thí sinh theo học nghề lại là vấn đề khó cho các nhà giáo dục và điều này còn khó thực hiện hơn đối với những trường nghề.

Tích cực “tiếp thị” vẫn khó tuyển

Hiện các trường dạy nghề trên địa bàn Hà Nội đang tích cực đổi mới giáo trình, nâng cấp trang thiết bị dạy và học. Chủ động nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của thị trường và người học, tạo những ngành nghề mới thay thế ngành nghề cũ… Tuy nhiên, vấn đề khó nhất mà các cơ sở đào tạo nghề gặp phải là công tác tuyển sinh, bởi đầu vào thường không đạt chỉ tiêu đặt ra. Nguyên nhân một phần do tình trạng nở rộ các trường CĐ, ĐH trên địa bàn những năm gần đây, cộng với tâm lý nhiều người nghĩ rằng, học ĐH, CĐ chính quy còn thất nghiệp huống gì trường nghề, trong khi nhu cầu công nhân có tay nghề đang rất lớn.

Những câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" của ngành giáo dục vẫn cứ tiếp diễn, khiến các trường nghề phải loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán tuyển sinh. Nhiều trường đã thành lập những tổ công tác xuống tận các trường THCS, THPT để làm công tác tư vấn học nghề, tuyên truyền cho các bậc phụ huynh hiểu rõ về chủ trương phân luồng của Bộ, nhưng xem ra công tác tuyển sinh đến thời điểm này vẫn chưa đạt được những kết quả như mong đợi. Theo lãnh đạo một số trường nghề, "lối thoát" khả quan cho công tác này chỉ còn là liên kết chặt chẽ hơn với các địa phương trong việc tuyển sinh.

Tạo hướng đi riêng để củng cố vị thế

Trong cuộc làm việc của lãnh đạo thành phố với các trường nghề vừa qua cho thấy, để tuyển sinh được, rất cần tạo cho mình một "thương hiệu". Trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội luôn giữ được quy mô đào tạo khoảng 17.000 học viên/năm, bởi phương châm đào tạo cái người lao động cần, chứ không đào tạo cái mình có và gắn đào tạo nghề với sản xuất, trường phối hợp với các doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để tiếp nhận sinh viên thực hành tại đơn vị.

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã cung cấp trên 5 vạn kỹ thuật viên trung cấp và công nhân kỹ thuật lành nghề cho hầu hết các ngành công nghiệp quan trọng của Thủ đô và các tỉnh lân cận. Đây cũng là nơi cung cấp hàng nghìn lao động đã và đang hợp tác tại nhiều nước như Nga, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan… Điểm thu hút học viên của trường cũng chính là chất lượng và sự năng động. Theo ông Đỗ Trí Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trường đã tìm được hướng đi là phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển, mạng lưới doanh nghiệp có quan hệ thường xuyên với nhà trường trong quá trình đào tạo, thực hành và tuyển nhân lực từ học viên tốt nghiệp của trường có tới hàng chục đơn vị. Hàng năm, nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho 40 - 50% học viên tốt nghiệp. Thống kê của nhà trường cho thấy, có khoảng 80% học viên ra trường có việc làm ngay.

Trong các cuộc làm việc với các trường đào nghề gần đây, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã yêu cầu các trường chủ động hơn nữa để phát huy nội lực, sáng tạo trong công tác đào tạo nghề. Đồng thời, các Sở sớm xây dựng chính sách lương, phụ cấp và chế độ tuyển dụng giáo viên, nhân viên khối các trường nghề sao cho phù hợp với điều kiện, cơ chế đặc thù riêng của Hà Nội, phấn đấu để các trường nghề trên địa bàn Hà Nội phát huy hiệu quả, đạt mục tiêu có trên 50% số lao động được đào tạo nghề trong vòng 5 năm tới.