Dự buổi lễ có ông Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, gia đình, đồng đội của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều và giáo viên, học sinh của trường. Tại buổi lễ, cô Phùng Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều xúc động chia sẻ, bức tượng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều chính là biểu tượng sống động nhất, có tác dụng giáo dục to lớn nhất đối với lớp lớp các thế hệ học sinh của nhà trường về lòng yêu nước, về tấm gương anh dũng, sự quả cảm, sẵn sàng hy sinh thân mình để giành lại độc lập tư do cho Tổ quốc.
Các đại biểu cắt băng đón nhận tượng Anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều. |
Anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều sinh ngày 7 tháng 2 năm 1945, từng sinh sống cùng gia đình tại số 21 Đặng Dung, Quận Ba Đình, Hà Nội. Vũ Xuân Thiều là con thứ bảy trong gia đình có 10 người con, từng theo học tại trường THPT Chu Văn An và Đại học Bách khoa Hà Nội, đã giấu gia đình để nhập ngũ khi đang học đại học năm thứ 3 vào năm 1965. Sau khi được tuyển chọn vào Không quân mới báo tin cho gia đình biết. Năm 1968, sau khi hoàn thành xuất sắc khóa học tập và huấn luyện bay ở Liên Xô (trước đây), phi công Vũ Xuân Thiều trở về nước và được biên chế về Trung đoàn Không quân Sao Đỏ (E 921). Trung tuần tháng 12 năm 1972, khi giặc Mỹ mở rộng cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 vào Hà Nội và Hải Phòng, Vũ Xuân Thiều cùng đồng đội quyết tâm diệt B52 của giặc. Để đánh chắc thắng, Vũ Xuân Thiều đã đề xuất phương án công kích gần, mặc dù có khả năng nguy hiểm cho cả máy bay và người lái. Đêm 28/12/1972, phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay dã chiến vùng rừng Cẩm Thủy (Thanh Hóa) gặp máy bay B52 của Mỹ trên bầu trời Sơn La, Vũ Xuân Thiều đã phóng cả 2 quả đạn tên lửa mà chưa hạ được nên đã tăng tốc đâm thẳng vào chiếc B52 còn mang đầy bom chưa ném. Đây là chiếc B52 thứ hai bị hạ bởi Không quân Việt Nam. Khi hy sinh, Vũ Xuân Thiều là Đảng viên, thượng úy, trung đội trưởng thuộc Đại đội 9, Trung đoàn 927, Sư đoàn 371, Quân chủng Không quân ở tuổi 27 và chưa có gia đình riêng. Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều được tặng thưởng 1 Huân chương chiến công Hạng Ba, và ngày 20/12/1994, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trên gác 2 căn nhà số 21, phố Đặng Dung, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, nơi Vũ Xuân Thiều trước đây vẫn hằng ngày đạp xe đi học tại trường Chu Văn An và Đại học Bách Khoa, có rất nhiều sách, báo viết về Vũ Xuân Thiều và nhiều kỷ vật của anh mà gia đình còn lưu giữ. Trong những kỷ vật đáng quý đó có mảnh máy bay B52 Mỹ - chiếc máy bay bị chiếc MIG21 của Vũ Xuân Thiều tiêu diệt. Chiếc đồng hồ do Quân chủng tặng gia đình được đặt bên bàn thờ anh, kim đồng hồ cố định ở con số 9 giờ 45 phút (đêm) cái thời điểm vinh quang mà người phi công cảm tử đã anh dũng hy sinh. “Để có được vinh dự lớn lao ngày hôm nay, thầy và trò nhà trường xin hứa sẽ noi gương anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều dạy thật tốt, học thật tốt, đạt được nhiều thành tích trong mọi hoạt động của nhà trường, của địa phương để xứng đáng với tên người anh hùng mà Trường vinh dự được mang tên” – cô Hằng nhấn mạnh. Xúc động và ghi nhận những tình cảm của các đoàn thể, Ban giám hiệu, giáo viên và học sinh trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều, Đại tá Vũ Xuân Thăng - nguyên cán bộ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (anh ruột của Anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều) chia sẻ: “Đây là một vinh dự, một sự ưu ái của chính quyền và nhân dân địa phương, của các thầy cô giáo và các em học sinh với liệt sĩ Vũ Xuân Thiều. Sự kiện vinh danh ngày hôm nay không chỉ vinh danh riêng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, mà đây cũng là một cách vinh danh cả thể hệ phi công chiến đấu chống Mỹ, trong đó có các đồng chí tướng lĩnh, anh hùng, phi công và đồng đội của các liệt sĩ”.