Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh trao tặng Huân chương Sao vàng đối với cụ Huỳnh Thúc Kháng cho thân nhân gia đình cụ. |
Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, cụ Huỳnh Thúc Kháng là chí sĩ yêu nước nổi tiếng, nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, vị lãnh đạo mẫu mực, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam. Những công lao to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp cách mạng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Nam và tộc họ Huỳnh xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước nói riêng. Chủ tịch nước kêu gọi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân noi gương cụ Huỳnh Thúc Kháng và các bậc cách mạng tiền bối, tăng cường đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua khó khăn thử thách, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp CNH, HĐH.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 1/10/1876 trong một gia đình Nho giáo tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Là người thông minh, học rộng, tuy đỗ đại khoa với học vị Tiến sĩ nhưng với tinh thần của một chí sĩ cách mạng yêu nước, cụ không ra làm quan trong chế độ phong kiến mà chỉ nhận lời mời tham gia Chính phủ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để phục vụ Tổ quốc và nhân dân.
Năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cẩn giao phó trách nhiệm quyền Chủ tịch nước khi Bác Hồ sang Pháp để đàm phán hòa bình. Trong suốt thời gian đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã gánh vác trọng trách, ứng phó với muôn vàn khó khăn, làm thất bại âm mưu của các phần tử phản động cấu kết với quân Tưởng Giới Thạch hòng lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng được ghi nhận là nhà sử gia cách mạng với nhiều tác phẩm có giá trị, làm nguồn tư liệu quý cho lịch sử nước nhà, trong đó có những chứng cứ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.