Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
|
- Trước thực trạng liên tiếp các vụ tai nạn cực kỳ nghiêm trọng vừa xảy ra, ông đánh giá thế nào về việc vi phạm an toàn giao thông?
Phải nói ràng, mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng và nhiều giải pháp đồng bộ nhưng liên tiếp trong những ngày vừa qua, tai nạn giao thông xảy ra rất nghiêm trọng. Trước tính hình trên, tôi đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT tìm rõ những nguyên nhân về tổ chức giao thông, về những biện pháp quản lý kỹ thuật, xử phạt nghiêm khắc thậm chí điều tra truy tố trước pháp luật những người do ý thức mà gây ra tai nạn. Đồng thời, yêu cầu các công ty, chủ xe phải gánh trách nhiệm cùng với lái xe để quản lý tốt hơn nữa.
Trước hết, phải rà soát lại việc tuyên truyền xem đã đến được với lái xe, chủ xe, người sử dụng phương tiện hay chưa; dựa vào tiêu chí nào để nói rằng phải nâng cao ý thức và đặc biệt phải gắn trách nhiệm của người lái xe, người sử dụng phương tiện trong vấn đề an toàn giao thông. Ý thức, ý thức và ý thức phải được nhắc nhở một cách quyết liệt và thường xuyên hơn. Đồng thời, phải tổ chức lại giao thông, đặc biệt là phải gắn các thiết bị hành trình, kiểm tra thường xuyên những người sử dụng phương tiện. Ví dụ, lái xe khách 2 - 4 giờ trong ngày phải được nghỉ, một ngày lái xe được điều khiển phương tiện bao nhiêu tiếng…và phải được thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, phải có những biện pháp để xóa các điểm đen thường xảy ra tai nạn. Cuối cùng là phải gắn các thiết bị theo dõi để giám sát những hoạt động của người điều khiển phương tiện, đặc biệt là phương tiện vận tải hành khách.
- Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, khi đã lắp camera theo dõi, nên định kỳ công khai hình ảnh để người dân nắm rõ?
Chúng tôi rất hoanh nghênh nhiều địa phương đã lắp camera theo dõi ở nhiều ngã ba, ngã tư. Chúng tôi khuyến khích việc làm này trên toàn quốc, trong phạm vi kinh phí hiện có. Nhưng trước hết, các thiết bị như “hộp đen” phải gắn lên các phương tiện một cách chính xác để giám sát người điều khiển phương tiện. Đó là biện pháp cần thiết trong bảo đảm an toàn phương tiện, nhất là vận tải hành khách.
- Hiện nay, trên các quốc lộ cũng có rất nhiều trạm kiểm soát của công an giao thông. Nhưng tại sao những phương tiện không đủ điều kiện vẫn hoạt động, thưa ông?
Đó là một khuyết điểm chúng ta phải rút kinh nghiệm. Tất cả các cơ quan kiểm định phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Phải xử lý các cơ sở đào tạo, đặc biệt là việc kiểm định trong phạm vi toàn quốc về thiết bị, đặc biệt là để phương tiện không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật lưu thông trên đường… Tất cả các phương tiện đều được đánh giá chất lượng trước khi cho xuất bến, xuất bãi và đưa vào vận hành. Còn việc để xe hết hạn sử dụng vẫn hoạt động, phải xử lý cả lái xe, chủ phương tiện, lãnh đạo công ty, kể cả đơn vị kiểm định.
- Nhiều người bức xúc trước tình trạng mãi lộ chưa được ngăn chặn dứt điểm, chính điều đó làm kém ý thức của lái xe. Theo ông cần có những giải pháp gì để ngăn chặn?
Bên cạnh việc tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm khắc, chúng ta phải tổ chức việc giám sát tốt hơn để chống mãi lộ, tiêu cực, hối lộ đối với lực lượng chức năng, đặc biệt là CSGT, thanh tra giao thông. Một tổ công tác phải được giám sát, nhân dân phải được giám sát, công khai minh bạch vấn đề này. Đồng thời, chúng ta phải đặt vấn đề bồi dưỡng, tạo điều kiện cho anh em về mặt chính sách để họ hoạt động lúc này. Chống tiêu cực, chống mãi lộ là một yêu cầu trong toàn ngành cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông.
-Xin cảm ơn ông!