Truy xuất nguồn gốc nông sản bằng smartphone: Tìm giải pháp nhân rộng

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 tháng triển khai thí điểm, hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản thực phẩm đã nhận được phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng (NTD).

Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại.
Đơn giản, tiện ích
Qua một thời gian nghiên cứu, từ tháng 8/2016, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã triển khai thí điểm hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử. Ban đầu có 10 cơ sở sản xuất, DN tham gia với hơn 500 dòng sản phẩm được dán tem nhận diện nguồn gốc điện tử QR code. Trong đó có 350 dòng sản phẩm của các DN đóng gói và phân phối, 205 dòng sản phẩm của cơ sở, DN sản xuất và chế biến. Hiện nay, trên địa bàn TP có 75 điểm bán nông sản thực phẩm có dán tem nhận diện nguồn gốc điện tử. Chỉ bằng một thiết bị điện thoại thông minh (smartphone), NTD có thể nhận diện được xuất xứ và đặc tính của sản phẩm.

Sử dụng smartphone để truy xuất nguồn gốc rau quả tại cửa hàng ở số 35 Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Quang Thiện

Sau khi được nhân viên của cửa hàng thực phẩm sạch tư vấn, bà Nguyễn Thị Sơn, phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng phấn khởi cho biết, thao tác truy xuất nguồn gốc rau, quả trên điện thoại khá đơn giản, nhanh gọn. Hơn nữa, do mới đưa vào ứng dụng nên nhiều bà nội trợ khá hào hứng với phương thức này. Là cán bộ trong ngành y tế, anh Vũ Tuấn Anh (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư) cũng rất quan tâm tới vấn đề sức khỏe. Qua thực tế sử dụng smartphone để truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm, anh Tuấn Anh chia sẻ: “Đây là bước tiến lớn trong tiêu dùng ở Việt Nam, giúp cho NTD phần nào yên tâm hơn khi mua thực phẩm”.
Theo đánh giá của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, qua triển khai thí điểm, nhiều DN đã kết nối được hệ thống cung cấp và phân phối nông sản thực phẩm, bảo vệ được thương hiệu sản phẩm, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái. Đáng chú ý, cho đến nay, đã có trên 50.000 lượt NTD truy cập hệ thống để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, trong đó có trên 200 ý kiến phản hồi về DN và đơn vị quản lý. Từ những ý kiến này, DN định hướng được thị trường và phục vụ NTD tốt hơn.
Tiếp tục hoàn thiện
Có thể nói, hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản thực phẩm an toàn là hệ thống có quy mô lớn với nhiều chủng loại sản phẩm. Hệ thống này đã tích hợp được tính ưu việt về công nghệ, thông tin và có khả năng ứng dụng cao. Qua đó giúp NTD Thủ đô tiếp cận được với công nghệ mới trong lựa chọn nông sản thực phẩm an toàn cho bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, đây là ứng dụng mới và lần đầu tiên được áp dụng đối với nông sản thực phẩm trên quy mô lớn nên trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào thời tiết, có tính thời vụ nên ảnh hưởng đến công tác dán tem nhận diện QR code. Bên cạnh đó, số lượng sản phẩm dán tem QR code còn ít so với tổng sản phẩm phân phối của các DN nên chưa tạo được hiệu ứng lớn đối với NTD.
Ngoài ra, hiện nay, một bộ phận lớn NTD chưa có thói quen sử dụng smartphone để truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm. Theo bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam, không phải khách nào cũng có smartphone để truy xuất. Giới trẻ, thanh niên là đối tượng sử dụng smartphone nhiều nhất nhưng lại ít đến khu bán nông sản thực phẩm so với các bà nội trợ. Do đó, để nhân rộng hệ thống này cần phải có các điểm tư vấn cho khách hàng. Bà Hậu chia sẻ thêm, một vấn đề nữa cần lưu tâm là cơ quan quản lý cần nghiên cứu hình thức in tem mã QR code dán vào từng sản phẩm nhưng không làm đội giá thành sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Chí – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong đưa vào vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản thực phẩm bằng smartphone. Tuy nhiên, để mô hình này đi sâu vào cuộc sống, công tác tuyên truyền cho các DN, cơ sở sản xuất, NTD có vai trò đặc biệt quan trọng.
Trung tuần tháng 11, Trung tâm tiếp tục mời các DN và đại diện các tỉnh, TP về cùng trao đổi, lắng nghe ý kiến phản hồi, góp ý để từng bước hoàn thiện hệ thống.
Ông Nguyễn Văn Chí
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội