Người lao động có việc làm, doanh nghiệp có lao động tốt
Chúng tôi có mặt tại HTX Sản xuất nguyên liệu khảm và dịch vụ thương mại Chuôn Thượng (thôn Thượng, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đúng vào ngày khai giảng lớp truyền nghề khảm trai do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (Sở Công Thương Hà Nội) phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên tổ chức. 35 học viên dù có người đã biết nghề nhưng vẫn rất hào hứng với lớp học, vì đây là cơ hội để họ được đào tạo một cách bài bản, nâng cao tay nghề bởi những nghệ nhân có trình độ tay nghề cao.Ông Vũ Văn Ca - Chủ tịch HĐQT HTX khảm trai Chuôn Thượng cho hay, hiện lực lượng nghệ nhân trong làng nghề rất sẵn, tay nghề cũng ổn định nhưng đa phần đã lớn tuổi. Trong khi đó, nhiều người trẻ đã chuyển sang nghề khác, không theo nghề cha ông để lại do làng nghề đã từng trải qua giai đoạn khó khăn, thị trường tiêu thụ bị suy giảm. “Việc người trẻ không theo nghề khiến tương lai nhân lực của chúng tôi sẽ rất thiếu. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ đào tạo nghề, không chỉ cho học viên trong HTX mà cả bà con nông nhàn tại địa phương. Qua đó giúp bà con có thêm thu nhập, đồng thời bảo tồn, lưu truyền nghề truyền thống cha ông để lại đến thế hệ mai sau” – ông Ca chia sẻ.Theo đại diện HTX khảm trai Chuôn Thượng, hiện thu nhập bình quân của người làm khảm trai mới vào nghề khoảng 7 triệu đồng/tháng, nếu tay nghề cao, lâu năm thu nhập có thể lên đến 10 – 15 triệu đồng/tháng. Vì vậy, nếu được đào tạo nghề, lao động trên địa bàn sẽ có thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống. “Chúng tôi sẽ có trách nhiệm giúp đỡ tất cả những học viên đã qua lớp đào tạo của trung tâm đầy đủ công ăn việc làm, có thu nhập để trang trải cuộc sống” – ông Vũ Văn Ca khẳng định.Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, để đạt mục tiêu trên, từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8/2019, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, các hội, hiệp hội nghề và các HTX, DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn khai giảng 35 lớp truyền nghề, cấy nghề. Thời gian truyền nghề, cấy nghề là 3 tháng, gắn lý thuyết với thực hành; áp dụng quy mô lớn trong đó có áp dụng khoa học kỹ thuật, sự sáng tạo, đổi mới trong việc đào tạo. Thông qua các lớp truyền, cấy nghề này, sẽ có khoảng 1.300 lao động thủ công mỹ nghệ nông thôn được đào tạo. Đồng thời tối thiểu 80% số học viên sẽ được các cơ sở công nghiệp nông thôn bố trí việc làm với thu nhập ít nhất 3,5 triệu đồng/người.Giúp làng nghề phát triển bền vữngCó thể thấy, hiện nay trình độ lao động tại các làng nghề chưa cao, chủ yếu là lao động thời vụ. Do không được đào tạo cơ bản nên ý thức lao động, kỷ luật, năng suất lao động thấp; chưa có tư duy sáng tạo trong sản xuất, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của DN. Vì vậy, hoạt động truyền nghề những năm gần đây luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác khuyến công trên địa bàn Hà Nội.Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Đào Hồng Thái cho biết, để tăng hiệu quả công tác đào tạo nghề, Trung tâm đã phối hợp với phòng kinh tế các huyện, thị xã, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội khảo sát để lựa chọn các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn có khả năng tiếp nhận lao động và bao tiêu sản phẩm cho các học viên để tổ chức các lớp truyền nghề. Nhờ vậy, sau khi hoàn thành các lớp truyền nghề, đa phần các học viên đều có việc làm và thu nhập ổn định hơn.Cũng theo ông Đào Hồng Thái, công tác đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn là một trong những điểm sáng trong hoạt động khuyến công của Hà Nội. Những năm qua, hoạt động truyền nghề đã không chỉ giúp người lao động có việc làm, tăng thu nhập, mà còn góp phần xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao cho các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn TP. Thông qua đó, giúp các làng nghề giữ được nghề và phát triển bền vững hơn.