Truyện ngắn: Hoa trinh nữ

Nguyệt Chu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trinh vẫn nhớ như in cái buổi chiều cuối năm rét ngằn ngặt trong tím tái, chú Du dẫn người đàn bà ấy về.

Cái áo bông to sụ của chú không che nổi cái bụng to vượt mặt của người đàn bà xa lạ. Trinh nhìn qua bờ giậu, thấy những đám lá xấu hổ chùng xuống. Những bông hoa tròn tròn tim tím như những cục bông rơi xuống tơi tả. Người đàn bà bước qua những cơn gió thổi rạc đám hoa tím, cắt chiều thành hai nửa bằng vết cắt nham nhở, xiên xẹo. Khói bếp bay quẩn, vẩn lại như màn sương đùng đục. Dấu chân người đàn bà nặng nề hằn in nơi một góc sân rêu…
 Minh họa: Quỳnh Hoa
Bây giờ, buổi chiều cuối năm lạnh căm căm chỉ làm đôi má Trinh thêm hồng. Không còn dấu chân của người đàn bà xa lạ. Chú Du ngất ngư trong bóng tối câm lặng. Mùi rượu sực lên lễnh loãng cả chiều. Nghe tiếng khóc của thằng Tía, Trinh chạy sang xem. Chân tay mặt mũi nó lấm lem, lạnh ngắt. Khuôn mặt ngơ ngác phủ đầy bóng tối. Trinh vội đến bế thằng bé dậy. Quần nó ướt sũng, khai mù mịt. Cô đưa nó vào nhà, bật điện lên. Chú Du lăn lóc bên chai rượu. Đột nhiên, Trinh thấy giận chú ghê gớm. Tại sao chú lại đến nông nỗi này? Cô lục trong đống quần áo tanh bành của thằng nhỏ, lấy một chiếc quần thay cho nó. Vừa xong thì bà mẹ chú về. Vẫn quần xắn ống thấp ống cao, bà bỏ vội đòn gánh xuống sân, chạy vào nhà. Những giọt mồ hôi lo âu chắt ra từ một đời vất vả, giờ mặn chát nhỏ âm thầm vào bóng tối. Du ơi là Du, tỉnh lại đi, còn say sưa đến bao giờ. Bà vừa gào lên, vừa túm lấy áo chú mà giật. Chú lồm cồm bò dậy, ngác ngơ. Khuôn mặt thiểu não sặc sụa hơi men. Thằng bé nín khóc, rúc vào vòng tay cô ngủ ngon lành. Cô đặt nó xuống giường rồi chào bà, ra về. Những cơn gió lạnh buốt thốc vào lòng cô tê tái. Ngọn lửa bà nhen lên trong bếp không đủ xua nổi cái chênh chao tứ phía ùa vào. Bóng người mẹ già chập chờn trên vách như một dấu hỏi lửng lơ, như một chiếc lưỡi câu mắc cạn găm vào hình hài số phận…

Chú Du từ vùng ngoại thành Hà Nội vào Tây Nguyên làm kinh tế mới khi Trinh độ hơn chục tuổi. Chú bảo, đi vào trong ấy để thoát nghèo. Chứ ở mãi xó xỉnh quê mùa, quanh năm cắm đầu vào đít trâu, biết bao giờ mới ngóc lên được. Bà mẹ chú ở nhà cặm cụi một mình. Bố chú thì đã mất từ lâu, từ khi Trinh sinh ra thì ông đã không còn nữa. Bẵng đi độ 5 năm, chú đột ngột trở về. Lại bảo, không đâu bằng quê hương. Cần phải làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Chú hăm hở với kế hoạch làm giàu. Năm năm làm ăn xa nhà chắc chú cũng giắt được ít lưng vốn. Chú trúng thầu nuôi cá ở đầm của hợp tác, vượt qua nhiều đối thủ khác. Chú cũng hay gặp gỡ các quan chức của xã, hay ra ngoài tỉnh, hay có những cuộc vui. Và kết quả là đã dẫn về một người đàn bà bụng chửa vượt mặt vào một ngày tháng Chạp lạnh giá. Nghe đâu, chú theo chúng bạn vui chơi và lỡ làm cho cô này có chửa. Năm lần bảy lượt cô ta đến tìm rồi chú không thể thoái thác, đành phải có trách nhiệm với hai mẹ con. Thế là thành đám cưới. Chưa đầy tháng thì người đàn bà sinh con. Thằng con trai, đen nhẻm, có cái bớt màu tía trên má nên mọi người gọi luôn là thằng Tía. Nhìn qua đã chẳng thấy có nét gì giống chú rồi. Người ta xì xầm, bàn ra tán vào nhưng chú mặc kệ. Ba tháng đầu nó khóc dạ đề, cứ ngằn ngặt suốt đêm. Chú ôm ấp, dỗ dành nó cho mẹ nó được nghỉ ngơi. Nghe tiếng khóc trẻ con vọng sang qua cái bờ giậu phất phơ bóng nhạt, Trinh thấy sốt hết cả ruột. Chẳng hiểu làm sao cô cứ thấy có cái gì bất an trong lòng. Thằng bé được bán khoán lên chùa cho dễ nuôi. Ít lâu sau, nó đã không còn quấy khóc. Trinh hay sang chơi với nó. Nó tuy đen nhưng trông cũng rất đáng yêu với đôi mắt tròn vo như hai hòn bi và cái miệng lúc nào cũng toe toét cười. Cái bớt tím trên khuôn mặt như một sự đánh dấu duyên dáng. Trinh cũng chẳng hiểu làm sao cô lại thích thằng Tía đến vậy. Nhất là khi nghe nó bi bô tập nói. Nhưng Trinh vẫn chẳng thể nào gần gũi được người đàn bà xa lạ kia…

Dân làng bảo người đàn bà này đĩ lắm. Cứ nhìn là biết. Đôi mắt lá răm, khóe miệng cong vút, dáng đi gợi tình, thế nên chú Du mới mắc bẫy, kẻ ăn ốc người đổ vỏ. Trinh cũng nghĩ là vậy. Thế mà chú Du chưa bao giờ phản ứng gì. Thây kệ tất! Người ta ngán ngẩm lắc đầu. Nhưng có người lại bảo, thôi thì, ở đời lấy đĩ về làm vợ còn hơn là lấy vợ về làm đĩ. Thật tình, Trinh không muốn chuyện của chú Du trở thành tâm điểm đàm tiếu của thiên hạ. Nhưng người đàn bà ấy lại cứ làm cho mọi chuyện rối tung lên. Bắt đầu từ khi thằng bé đã cứng cáp và người đàn bà đã có phần thon gọn hơn sau kì sinh nở, những lần ra đồng, những lần ra đầm cá, chị ta luôn gây sự chú ý với những người đàn ông trong làng. Lúc thì quần xắn cao đến tận bẹn, để lộ bắp đùi trắng nõn ngồn ngộn phồn sinh, lúc thì tênh hênh mỗi cái áo cánh mà mồ hôi dính bết cả vào thân thể, lồ lộ hai trái đào tiên căng nứt đang kỳ cho con bú. Trinh thấy ghét. Những người đàn bà ở làng này cũng thấy ghét. Người đâu mà đĩ thế! Bà mẹ chú thì cũng chẳng nói gì. Bao năm nay, bà vẫn hiền lành và lầm lũi như cục đất. Trinh ghét lây sang cả chú Du. Suốt ngày chú chúi mũi ở đầm cá thôi.

Một tối, Trinh từ nhà bà ngoại trở về, đi qua cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ sau vụ gặt. Một vài con bù nhìn phất phơ loang loáng trong bóng tối cũng làm cho cô thấy run run. Ngoài xa xa, dòng sông gục vào đêm, thiêm thiếp thở. Hơi sương dâng lên trong ánh trăng nhạt nhòa. Bỗng cô giật mình khi thấy bên vạt cỏ trên cánh đồng, hai bóng đen đang trộn vào nhau. Hơi thở trộn vào đêm. Trăng không đủ sáng để tưới đẫm lên thân thể của hai con người đang trong cơn khoái lạc. Cô vội vã bước qua. Nhưng tiếng rên của người đàn bà cứ găm vào cô, vừa mơ hồ vừa rõ mồn một. Cô cắm đầu chạy, bỏ lại đằng sau đồng đất đang âm thầm sinh sôi.

Sáng hôm sau, Trinh thấy người đàn bà trên tay có những vết cào xước. Cô hoang mang hỏi. Chị ta cười mệt mỏi. Bị gai cào. Cô sững người. Tiếng cười của người đàn bà như tiếng rên găm vào cô đêm qua. Cô sợ hãi, chạy bổ ra ngoài. Bờ giậu nghiêng nghiêng như sắp đổ. Cô đi tìm chú Du. Chú vẫn ở đầm cá. Nắng đã lên rờ rỡ. Chú nhìn những con cá quẫy dưới mặt nước mà đôi mắt cười như trẻ thơ. Cô nhìn chú từ đằng xa. Chợt thấy thương chú quá! Giá mà cô không biết chuyện đêm qua. Giá mà cô không can dự gì đến chuyện này. Giờ đây, sao lòng cô có thể thanh thản được. Liệu chú có biết hay không? Liệu cô có nên nói với chú hay không? Đứng tần ngần một hồi, cô lại rảo bước quay về trong tiếng thở dài héo hắt.

Vụ cá này, chú trúng lớn. Chú sắm cho người đàn bà sợi dây chuyền vàng lấp lánh. Nhìn vào sáng cả mắt. Nhất là nó lại ở trên khuôn ngực đầy đặn nõn nà. Chú còn mua cho Trinh một cái máy khâu. Chú bảo, con gái, ngoài việc đồng ruộng thì cũng nên biết thêu thùa, may vá, rồi còn phải lấy chồng, lo nữ công gia chánh. Trinh chợt nghĩ, chú cứ nói những điều ấy với vợ chú có khi còn tốt hơn. Nhưng Trinh cũng vui vẻ nhận. Chả gì, chú cũng coi Trinh như người thân trong gia đình.

Người đàn bà thì ngày càng biết cách ăn diện và đỏm dáng. Chị ta nói mình đi lên tỉnh giao dịch buôn bán giúp chồng. Ờ thì của chồng công vợ. Nhà ấy kinh tế đang lên còn gì. Nhưng ai mà biết ma ăn cỗ. Lời nọ tiếng kia cứ rót vào tai Trinh mỗi ngày. Chẳng biết chú Du nghĩ ra sao nữa.

Vậy mà đùng một cái, chỉ trong một đêm chú về nhà có việc, đến sáng hôm sau ra đầm thì cá đã chết trắng nổi cả trên mặt nước. Biết bao nhiêu công sức và tiền bạc cho một mùa cá mới đã mất sạch sành sanh. Người đàn bà cũng lẳng lặng thu vén hành lý ra đi, bỏ lại thằng Tía chưa đầy 3 tuổi. Chú không biết người đàn bà ấy đi đâu, cũng như chưa từng biết người đàn bà ấy từ đâu đến. Chị ta đã gói ghém tiền bạc, nữ trang và đi không một lời từ biệt. Vài bữa sau, thấy có người bảo gặp chị ta đi với người trai khác ở trên tỉnh. Cũng có người bảo trông thấy chị ta bắt tàu vào nam. Thực hư không rõ. Chú cũng chẳng cần biết. Có khác chi cá nước chim trời. Đau. Chú tìm đến rượu…

Trinh không sao chợp mắt được. Tiếng gió rít vào khe cửa rờn rợn. Bà mẹ ở ngoài nhà húng hắng ho. Những ngày tháng Chạp mòn mỏi trong gió bấc khô người. Cô nghĩ đến lời của mẹ, nhà người ta đã đánh tiếng, con gái rồi thì cũng phải lấy chồng. Nhưng cô chẳng có cảm tình gì với Tính, lẽ nào lại tính chuyện trăm năm. Con gái ở cái làng này, có ai được học hành, thoát ly đâu. Chỉ 17, 18 là đã yên phận chồng con. Cô cũng sắp 18 rồi. Mẹ cô lo là đúng. Thế mà cô vẫn cứ day dứt không yên. Tiếng khóc của thằng Tía chợt vọng sang làm cô thấy bải hoải rã rời. Hình ảnh chú Du say mèm chập chờn trong đầu óc cô. Vừa giận vừa thương chú. Không biết khi nào chú mới hết đau. Tự nhiên cô muốn xoa dịu nỗi đau trong lòng chú. Xóa mờ đi cái buổi chiều kí ức rét ngằn ngặt mà tấm áo bông to sụ của chú chẳng thể che nổi cái bụng chửa vượt mặt của người đàn bà xa lạ. Làm bay đi những bông hoa trinh nữ, bung nở sắc tím dịu dàng. Khép lại những đám lá để phủ lên dấu chân lạc loài của người đàn bà hằn in nơi một góc sân rêu.

Trinh mở cửa chạy ra ngoài. Con đường ra đầm cá bàng bạc trong gió sương. Đêm hồi hộp thở. Chiếc chòi canh khe khẽ run lên. Thấp thoáng, những bông hoa tim tím nhỏ xinh vương vào mắt Trinh một màu da diết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần