Người dân - Doanh nghiệp hưởng ứng
Báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư CVĐ cho thấy: Trong năm 2018, CVĐ đã được cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức sâu rộng, thống nhất, tạo được sự hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân, DN được tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích phát triển sản xuất.Nhằm giúp người tiêu dùng tìm hiểu, nhận biết hàng Việt năm 2018, Sở Công Thương các tỉnh, thành và DN tổ chức 114 đợt bán hàng Việt về nông thôn, hơn 150 lượt khuyến mại; tổ chức 115 hội chợ, triển lãm hàng Việt. Đáng chú ý, đến nay đã xây dựng được hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam cố định tại gần 60 tỉnh, thành trên cả nước. Thực tế cho thấy thông qua CVĐ, DN địa phương đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất những sản phẩm đặc trưng và hình thành vùng sản xuất tập trung. Đến nay, cả nước đã có khoảng 4.823 sản phẩm đặc sản, trong đó có 695 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Doanh nghiệp quảng bá hàng Việt, đặc sản vùng miền tại Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm do UBND TP Hà Nội tổ chức. Ảnh: Lê Nam |
Bên cạnh việc hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm, các cơ quan truyền thông chú trọng tuyên truyền hàng Việt tới người dân góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người tiêu dùng, trách nhiệm của DN với CVĐ. Cụ thể năm vừa qua, Ban chỉ đạo CVĐ của 55/63 tỉnh, TP trên cả nước đã tổ chức tuyên truyền được 149.161 cuộc, đăng tải 21.685 tin bài, 361 hội chợ, triển lãm...Đánh giá về những kết quả đạt được trong năm vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: CVĐ đã tạo được sức lan toả mạnh mẽ trong nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt, đồng thời, đã khẳng định vị thế hàng Việt tại thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài. “Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 là một minh chứng về chất lượng và vị thế của hàng Việt trên thị trường thế giới” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư Trương Thị Ngọc Ánh: Vẫn còn một số đơn vị, địa phương chưa tích cực tham gia, cùng đó hàng Việt chưa thực sự bắt mắt, hấp dẫn người tiêu dùng, kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng DN chưa cao nên hiệu quả triển khai CVĐ không được như mong muốn.Thay đổi cách tiếp cận Trong năm 2019, mặc dù sẽ có nhiều cơ hội tiêu thụ hàng Việt khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định CPTPP có hiệu lực, nhưng cũng mở ra nhiều thách thức bởi thị trường nội địa không còn là của riêng DN Việt. Tại hội nghị đánh giá kết quả triển khai CVĐ năm 2018 và triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 vừa tổ chức các đại biểu đều có chung ý kiến, thời gian tới cần đẩy mạnh truyền thông hàng, thương hiệu Việt tới người dân và thị trường thế giới.Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam chia sẻ: CVĐ làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhiều DN khi trân trọng thị trường nội địa, quan tâm đến chất lượng thương hiệu. Tuy nhiên, trong năm thứ 10 thực hiện CVĐ cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, DN biết nhiều hơn về thành công của CVĐ trong đó chú trọng việc truyền thông tại các trang mạng xã hội. Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng: Bước vào năm thứ 10, CVĐ không chỉ là khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà cần phải hướng tới mục tiêu “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” hoặc “Tự hào hàng Việt Nam”.Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư Cao Đức Phát khẳng định, để CVĐ hiệu quả cao hơn, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng CVĐ. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ DN phát triển, tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng để bảo vệ uy tín của hàng Việt Nam. Đặc biệt cần xây dựng các chuỗi liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng.Ý kiến của các DN, chuyên gia, nhà quản lý kinh tế cho thấy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cổ vũ, khơi dậy lòng tự hào của cộng đồng DN, người dân khi sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước qua đó đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
“Năm 2019 là năm quan trọng khi Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực, 60% dòng thuế đã bị xóa bỏ, theo cam kết 3 năm tới sẽ có 85% dòng thuế bị xóa. Đây là áp lực đối với hàng hóa Việt, chính vì vậy cần có sự chung tay hỗ trợ DN qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội”. - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư Cao Đức Phát |