Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TS. Nguyễn Đức Thành: Đây là thời điểm thích hợp giảm lãi suất cho vay

theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, đây là thời điểm thích hợp để các NHTM giảm lãi suất cho vay, để đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế vững chắc hơn.

Dựa trên những đặc điểm kinh tế Quý 3, tại tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, các cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ
Theo phân tích của TS. Thành, lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm là không thể tránh khỏi, khi giá dịch vụ y tế mới được điều chỉnh tại 16 tỉnh thành trong Quý 3. Giá năng lượng hồi phục trong khi giá lương thực thế giới vẫn là một ẩn số có thể tạo áp lực lên mặt bằng giá trong nước. Trong khi đó, cung tiền vẫn đang được điều chỉnh tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2015. Những yếu tố này khiến lạm phát hoàn toàn có khả năng chạm mức mục tiêu 5% mà Quốc hội đã đặt ra.
 
Do vậy, VEPR vẫn giữ vững quan điểm cho rằng các cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt, cần linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong Quý 4 và đầu năm 2017, trong trường hợp có thể gây rủi ro lạm phát.
Phân tích rõ hơn về nguy cơ rủi ro đó, Viện trưởng VEPR cho rằng, tính đến hết quý 3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại thời điểm 20/09/2016 đã tăng 12,02% so với cuối năm 2015. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức 8,9% cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ước tính đạt 10,5%, giảm nhẹ so với năm 2015.
Còn thông tin từ Vụ Dự báo thống kê của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả điều tra Xu hướng kinh doanh đối với các TCTD, trong đó các TCTD kỳ vọng dư nợ tín dụng bình quân toàn hệ thống tăng trưởng 7,37% trong quý 4/2016, tăng trưởng 21,82% trong năm 2016.
Với thực tế này, TS. Thành cho rằng, “nếu Ngân hàng Nhà nước ép tăng trưởng tín dụng, tung tiền ra nhiều trong quý 4 để giúp tăng trưởng, sẽ xáo trộn thị trường và ảnh hướng tới lạm phát có thể khiến lạm phát tăng nhanh. Đây là biện pháp đã và đang được áp dụng trong thời gian trước, tuy nhiên không bền vững và không đạt hiệu quả cao".
Cần giảm lãi suất cho vay để tạo cú huých cho doanh nghiệp phát triển
Thực tế, theo VEPR, trong thời gian qua, tín dụng huy động trong dân rất tốt nhưng tín dụng cho vay ra lại tăng chậm làm dư thừa tiền khiến lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh và sâu. Còn theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, hiện nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động ngắn hạn nhưng nó không phản ánh đầy đủ bức tranh về nền kinh tế. Các ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động, còn ngân hàng nhỏ lại có lãi suất huy động đến 7% dài hạn.
Tức là theo ông Tuyển, đợt giảm lãi suất huy động vừa qua khó chuyển thành khuynh hướng giảm lãi suất cho vay. Vì thế, ông Tuyển cho rằng, không nên tận dụng đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng bởi như thế sẽ làm gia tăng lạm phát, không hiệu quả về mặt chính sách.
Một trong những trở ngại hiện nay, theo ông Tuyển, Việt Nam đang có quá nhiều gói lãi suất, nhưng lãi suất chính sách hiện quá nhiều, chèn lấn vào khu vực cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi đang tạo ra việc làm, tăng trưởng. Khu vực này vốn rất khó khăn, phải vay ở mức lãi suất cao hơn nhiều so với các nước khác.

Cho nên, theo ông Tuyển, chỉ số tăng trưởng thì người dân có thể không quan tâm nhưng lạm phát họ cảm nhận được ngay. Vì vậy phải giữ vững mục tiêu kiềm chế lạm phát nếu không sẽ mất lòng tin vào thị trường. Do đó, “theo tôi chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,0% thôi để kiềm chế lạm phát, bởi đây là mục tiêu rất quan trọng"- ông Tuyển nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đức Thành thì cho rằng, nguồn huy động dồi dào trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức vừa phải tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ nhiệt. “Đây là thời điểm thích hợp để các NHTM có thể cắt giảm từng bước lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những quý trước. Điều này kỳ vọng góp phần tạo ra một cú huých cho doanh nghiệp trong những quý tiếp theo, bên cạnh các nỗ lực hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay. Như vậy, đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế có thể được củng cố vững chắc hơn”- TS. Thành nhấn mạnh.