Thông tin trên đã được ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội đưa ra tại Hội nghị giao ban quý 1/2016 giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và sở, ngành trên địa bàn TP.
Theo ông Dục, mô hình cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường thông qua thay thế xe đẩy rác bằng xe cơ giới đang được triển khai thí điểm trên địa bàn 2 phường Lý Thái Tổ, Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Kết quả thu được rất khả quan khi xóa bỏ được 12 điểm cẩu rác cũng như giảm tối đa xe thu gom rác thủ công từ 50 xuống còn 15 xe.
Được biết, các xe cơ giới có thể thực hiện được cả công tác thu gom cũng như hút rác và được chia làm 3 cấp độ to, trung bình và nhỏ nhằm phù hợp với các tuyến phố, ngõ, xóm.
Ông Dục cho biết thêm, bắt đầu từ 2016, công tác thu gom rác sẽ được thực hiện theo phương thức đặt hàng với mức giá giảm nhằm tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhưng vẫn phải đảm bảo tiêu chí đường phố sạch.
Đối với mức chi phí cho vệ sinh môi trường, UBND TP đã giao cho các sở, ngành có liên quan xây dựng đơn giá mới cho phù hợp với tình hình thực tế. Với 5 đơn giá như hiện tại, từ khâu thu gom đến chôn rác cũng sẽ được điều chỉnh lại theo hướng tiết kiệm chi phí.
Cũng theo ông Dục, hiện tại TP có tổng cộng 30 đơn vị phân cấp hành chính về công tác vệ sinh môi trường. Chính vì vậy trong giai đoạn 2017 - 2020, sẽ phải tiến hành chuyên nghiệp hóa những đơn vị này.
"Có thể ví dụ như 1 quận có 5 đơn vị thu gom, xử lý rác sẽ hợp lại làm 1 để tăng tính hiệu quả. Hay địa bàn đấu thầu thì 1 đơn vị sẽ làm cho cả quận, huyện, tránh tình trạng 1 huyện có nhiều đơn vị cùng hoạt động", ông Dục nói. TP cũng sẽ tham gia giám sát, nếu đơn vị thực hiện không làm đúng các điều khoản ký kết sẽ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Lãnh đạo Sở xây dựng Hà Nội cũng cho biết thêm, vào khoảng tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới, các đơn vị thu gom, xử lý rác sẽ phải tổ chức đấu thầu, điều này sẽ giúp thanh lọc những đơn vị không đủ năng lực.
Nói về việc đẩy mạnh cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhưng cũng cần kết hợp với duy trì hạ tầng trong thoát nước.
"Sự kết hợp này đã được thực hiện thí điểm tại quận Long Biên, giúp giảm 40% chi phí vận chuyển rác thải so với năm đầu thực hiện xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu TP sạch", ông Chung nói.
Xe cơ giới sẽ thay thế toàn bộ xe đẩy từ năm 2017.
|