Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, đây là việc làm cần thiết nhằm kéo giảm tình trạng mất ATGT trên đường cao tốc. Phạt nặng để tạo sức răn đe Theo Nghị định 46, từ ngày 1/8, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng (hiện là 200.000 – 400.000 đồng) và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng; Người điều khiển xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/giờ, máy kéo đi vào đường cao tốc sẽ bị xử phạt từ 5 – 7 triệu đồng (hiện là 400.000 – 600.000 đồng); Người điều khiển xe máy, xe đạp, xe thô sơ đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng (hiện là 100.000 – 200.000 đồng); Người đi bộ đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt từ 100.000 – 200.000 đồng (hiện là 80.000 – 100.000 đồng); Người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng (hiện là 100.000 – 120.000 đồng).
Bên cạnh đó, các hành vi như: Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm theo quy định sẽ bị phạt từ 5 – 6 triệu đồng, hiện là 800.000 – 1,2 triệu đồng. Hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc cũng sẽ bị phạt từ 5 – 6 triệu đồng (hiện là 1 – 2 triệu đồng). Theo ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT, hành vi điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc là hành vi rất nguy hiểm, không những gây nguy hiểm cho người điều khiển xe máy mà còn nguy hiểm cho tất cả các ô tô đang tham gia giao thông trên đường cao tốc. Do đó, việc xử phạt người đi xe máy vào đường cao tốc là rất cần thiết và mức phạt như Nghị định 46 quy định đã được Ban soạn thảo cân nhắc rất kỹ để bảo đảm tính răn đe và khả thi khi thực hiện. Lỗi đâu của riêng người vi phạm? Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc tăng nặng mức xử phạt hành chính các hành vi vi phạm luật giao thông nói chung và trên đường cao tốc nói riêng là điều cần thiết. Theo ông Liên, nếu Nghị định này được ban hành cách đây 4 – 5 năm, chắc chắn Hiệp hội sẽ phản đối. Tuy nhiên, trong những năm qua, mặc dù các lực lượng chức năng, các hệ thống chính trị đã liên tục tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân nhưng tình trạng cố tình vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Do đó, việc tăng năng mức xử phạt là cần thiết để nâng cao nhận thức của người dân, cũng như kéo giảm tình trạng mất ATGT. Cũng theo ông Liên, để những quy định trên đi vào thực tế, không làm khó người dân và DN vận tải, các đơn vị có liên quan trong quá trình xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc sẽ còn nhiều việc phải làm. “Hiện nay, tại nhiều tuyến đường cao tốc, khoảng cách giữa các hầm chui dành cho người đi bộ quá xa, không có điểm dừng đỗ đón, trả khách… khiến người dân, lái xe dù biết là vi phạm nhưng vẫn phải làm. Như vậy có thể thấy, lỗi ở đây không hẳn là của riêng người vi phạm mà có một phần không nhỏ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông” – ông Liên nhấn mạnh.
Từ ngày 1/8, người điều khiển xe máy cố tình đi vào đường cao tốc có thể bị phạt đến 7 triệu đồng (ảnh chụp tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ). Ảnh: Công Trình |
Nghị định 46/2016/NĐ – CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/8/2016 điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với 156 hành vi và nhóm hành vi. Trong đó, đường bộ là 115 hành vi và nhóm hành vi; đường sắt là 41 hành vi và nhóm hành vi. Để bảo đảm ATGT, kéo giảm tình trạng vi phạm pháp luật cũng như TNGT thì việc hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là quy định chế tài đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe là điều cần thiết. Bên cạnh việc xử phạt thì cần phải tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành các quy định. Ngoài ra, cần phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật cũng như giám sát chặt chẽ các lực lượng thực thi pháp luật. Ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT |