Sắp sập vẫn phải chờ... thủ tục
Đền Ngọc Sơn nằm ngay giữa trung tâm Thủ đô, những chính sách ưu tiên cho di sản này luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng thủ tục xin tu bổ không thể nhanh hơn. Thế nên, những di tích ở quận, huyện ngoại thành thì còn phải chờ đợi lâu hơn nhiều. “Muốn tu bổ một di tích cấp quốc gia, ngay cả khi di tích đó sắp sập, phải “làm thủ tục” mất ít nhất 6 tháng. Trước hết, cơ sở phải có báo cáo gửi UBND cấp quận, huyện; cấp này báo cáo lên tỉnh, TP; sau khi xem xét, nghiên cứu, tỉnh, TP báo cáo lên Bộ VHTT&DL chủ trương. Và với những di tích có nguồn đầu tư tu bổ trên 20 tỷ đồng, hoặc di tích quốc gia đặc biệt lại cần qua thêm mấy cửa xét duyệt nữa là Bộ Xây dựng và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ” - ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết.
Điểm mặt hơn 5.900 di tích của Hà Nội, có đến 600 di tích xuống cấp và 200 di tích xuống cấp nghiêm trọng, song vẫn chỉ có cách chống sập chờ thủ tục. Ông Nguyễn Tùng Lâm - Trưởng phòng VH&TT huyện Phú Xuyên cho biết, toàn huyện có tới 20 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2015, chỉ duy nhất di tích chùa Phú Đôi, đình Đa Chất, chùa Bìm được tu bổ tôn tạo. Đình Cổ Chế mặc dù đã được huyện hỗ trợ 400 triệu đồng chống dột, chống sập nhưng vẫn trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Huyện Phúc Thọ cũng có gần 30 di tích xuống cấp nghiêm trọng, điển hình như chùa Sẻ, đình Hiếu Hiệp, đình Yên Dục, đình Ngọc Tảo, chùa Bà Tì, chùa Tăng Non… Các quận nội thành như Ba Đình, Đống Đa, tình trạng di tích chờ sập cũng không kể hết.
Sẽ nhanh hơn khi liên thông
Để gỡ vướng cho quy trình này, mới đây, UBND TP Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ văn bản số 94/BC-UBND đề nghị cho Hà Nội chủ động trong trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn. Theo đó, UBND TP đề nghị Thủ tướng chấp thuận việc liên thông trong thẩm định dự án tu bổ tùy theo từng trường hợp. Chẳng hạn, Bộ KH&ĐT liên thông thủ tục thẩm định, thỏa thuận chuyên ngành với Bộ VHTT&DL, cơ quan thẩm định dự án TP được liên thông thẩm định thỏa thuận chuyên ngành với Bộ VHTT&DL và Sở VH&TT, hay Sở Xây dựng liên thông thẩm định với Bộ VHTT&DL và Sở VH&TT. “Nghĩa là thay vì nhiều lần thẩm định, thì các cơ quan chuyên ngành theo từng lĩnh vực có thể ngồi lại với nhau và thẩm định một lần. Quy trình tu bổ không thay đổi, vẫn bảo đảm thông qua các cơ quan chuyên môn nhưng sẽ rút ngắn được thời gian hoàn thiện hồ sơ tu bổ” – ông Tiến lý giải.
Phải nói rằng, vướng mắc này không phải của riêng Hà Nội. Ở di tích Phố cổ Hội An (Quảng Nam ), nếu đúng quy trình, những nhà dân trong khu phố cổ muốn sửa chữa phải cất công ra Hà Nội vài lần để hoàn thiện thủ tục. Trong khi đó, đa số nhà cổ ở đây đều có tuổi đời vài trăm năm, rất nhiều công trình đã xuống cấp.
Với đề xuất của Hà Nội, hiện vẫn chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Song nhiều chuyên gia cho rằng, với một địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước, thì nên cho phép thí điểm được chủ động các trình tự lập hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích. Nếu thực hiện thành công ở Hà Nội, sẽ nhân rộng ra các tỉnh, TP khác.