Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ chối vận may đổi đời

Chia sẻ Zalo

KTĐT - V.League được coi là thiên đường mà nhiều đội bóng chiếu dưới hằng mong ước. Thế nhưng, cơn bão tài chính đã khiến nhiều đội bóng run rẩy khi thần may mắn trao cho mình cơ hội được tham dự giải đấu hàng đầu quốc gia.

Đến thời điểm hiện tại, VFF và VPF vẫn chưa thể chốt được ngày tổ chức lễ bốc thăm xếp lịch thi đấu mùa giải 2013. VFF dự định lễ bốc thăm sẽ tiến hành vào ngày 3/11 sau khi Hội nghị các Chủ tịch CLB diễn ra. Vấn đề khiến VFF, VPF chậm triển khai công tác chuẩn bị cho mùa giải mới là do chưa thể xác định được có bao nhiêu đội bóng đủ tư cách tham dự V.League 2013. Cho đến thời điểm hiện tại, số phận của CLB Hà Nội và đội Hà Nội T&T vẫn chưa được xác định. Còn ở giải hạng Nhất, tương lai của hai đội Trẻ Hà Nội và Trẻ SHB Đà Nẵng cũng chưa thực sự rõ ràng.

Từ chối vận may đổi đời - Ảnh 1

Nếu các đội bóng kể trên không thể chuyển giao mà bị giải thể, cơ cấu của giải V.League và hạng Nhất sẽ có nhiều thay đổi. Người ta sẽ phải đưa ra phương hướng tổ chức cho mùa giải mới theo hướng giữ nguyên con số 14 đội hay chấp nhận giảm xuống 12 hoặc 10 đội bóng. Đây là vấn đề hết sức hệ trọng bởi nó sẽ quyết định quy mô giải đấu cùng hàng loạt những hệ lụy khác như về kế hoạch tập trung, tập luyện của các ĐTQG. Mà việc quyết định mùa giải sau có 14 hay 10 hoặc 10 đội lại không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của VFF và VPF. Nó phụ thuộc vào khả năng tài chính của các đội bóng. Thế nên, VFF muốn có buổi nói chuyện một cách thẳng thắn với những người lãnh đạo cao nhất các đội bóng để có được kết luận cuối cùng về quy mô mùa giải 2013.

Có một kịch bản mà VFF rất muốn nó không diễn ra, đó là một vài đội bóng rời bỏ cuộc chơi. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi hai đội bóng Hà Nội của bầu Hiển và bầu Kiên đang gặp bế tắc trong chuyển giao, hoặc tìm nguồn tài chính để tồn tại. Khi ấy, chắc chắn người ta sẽ phải đưa ra phương án khắc phục sự cố. Nhiều người đưa ra ý tưởng đôn đội bóng xếp thứ 3 và thứ 4 của giải hạng Nhất lên chơi ở V.League nếu có một, hoặc 2 đội bóng bỏ cuộc. Cũng có người nêu ý kiến tổ chức những trận tranh vé vớt giữa đội xếp thứ 3 giải hạng Nhất và thứ 13 của V.League để xác định quyền tham dự giải chuyên nghiệp mùa sau.

Nhiều ý tưởng đã được đưa ra nhưng tính khả thi của nó lại đang bị đe dọa nghiêm trọng. Số là một số đội bóng hạng Nhất, đơn cử như Đồng Nai lại tỏ ra thiếu mặn mà với suất chơi chuyên nghiệp. Họ nói rằng, mình chưa hội đủ những điều kiện để chơi ở giải đấu quy mô này. Đây thực sự là vấn đề mà bản thân những nhà quản lý bóng đá chưa thể lường hết. Nó cũng giống như việc, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Nam Định, những đội bị rớt hạng, hoặc không giành quyền lên hạng đã thẳng thừng từ chối đặc ân được tiếp quản suất chơi từ Trẻ SHB Đà Nẵng và Trẻ Khánh Hòa. Lãnh đạo các đội bóng này khẳng định muốn làm lại từ đầu và việc theo đuổi cuộc chơi trong lúc chưa hoàn toàn thích ứng là điều không cần thiết.

Trước đây, một suất chơi chuyên nghiệp hoặc hạng Nhất được định giá hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng. Nhưng giờ, không ít đội bóng được bán rẻ như cho, thậm chí tặng không nhưng chẳng đắt hàng. Bóng đá Việt Nam đang bị ám ảnh với hội chứng “tháo chạy” khỏi sân chơi đỉnh cao và hầu như ít người muốn đổ tiền vào lĩnh vực vốn đầy rẫy sự mạo hiểm.