Để hiểu rõ hơn con đường mà một số quốc gia phát triển đã đi qua, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với ông Wolfgang Botsch, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (CHLB Đức), nhân dịp ông có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam (từ 4 - 6/11).
Thưa ông, tại sao vào năm 1997, Chính phủ Đức lại quyết định giải thể Bộ Bưu chính - Viễn thông, dù khi đó ngành này vẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế?
- Vào thời điểm những năm 1997, nền kinh tế Đức phát triển tương đối nhanh nhờ vào sự lớn mạnh của một số tập đoàn công nghiệp như Mercedes, BMW, Siemens… Các tập đoàn này hoạt động rất hiệu quả, dù họ không do một bộ nào quản lý. Chúng tôi nhận thấy, việc cổ phần hóa nhằm giảm những thủ tục hành chính liên quan tới Nhà nước sẽ giúp một đơn vị có thể phát triển tự chủ và năng động hơn. Chính bởi vậy, Chính phủ Đức đã quyết định giải thể Bộ Bưu chính - Viễn thông. Đức cũng bắt đầu công cuộc tư nhân hóa ngành này kể từ đó. Tuy nhiên, ở cấp Chính phủ, chúng tôi vẫn có một cơ quan chuyên trách các vấn đề có liên quan tới ngành.
Quá trình tư nhân hóa ngành bưu chính - viễn thông của Đức diễn ra trong bao lâu và đã gặp phải những khó khăn như thế nào, thưa ông?
- Vấn đề mà chúng tôi gặp phải trong công cuộc tư nhân hóa ngành này chủ yếu đến từ nội tại đất nước. Trong suốt quãng thời gian dài, công đoàn của ngành bưu chính - viễn thông chiếm tỷ lệ rất lớn và có tiếng nói quan trọng. Và tất nhiên họ không muốn giải thể Bộ này, bởi các lợi ích cá nhân có thể bị ảnh hưởng. Chính phủ đã phải tổ chức nhiều cuộc họp. Ban đầu là vận động, sau đó là bỏ phiếu. Tính đến nay, chúng tôi đã phải mất tới hơn 10 năm để có thể tư nhân hóa được ngành này.
Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm của Chính phủ Đức trong việc tiến hành tư nhân hóa ngành bưu chính - viễn thông?
- Mỗi nền kinh tế đều có một vài "tên tuổi" DN hoạt động trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông. Những năm đầu cải cách, chúng tôi tiến hành đấu thầu tự do và công bằng. Các tập đoàn có tiềm lực lớn mạnh sẽ có khả năng trúng thầu cao. Những công ty nhỏ hơn có thể giành được (hoặc nhận nhượng lại) những gói thầu phù hợp với năng lực sản xuất của mình. Các đơn vị sau khi trúng thầu sẽ được tự do thực hiện các kế hoạch kinh doanh. Vì phải tự chủ về tài chính nên các công ty sẽ hoạt động hiệu quả hoặc chí ít là tích cực hơn. Hiệu quả kinh tế tổng thể ngành thường sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó như đã nói, chúng tôi vẫn có một bộ phận chuyên trách các vấn đề liên quan tới hành lang pháp lý thuộc lĩnh vực bưu chính - viễn thông. Điều này đảm bảo các hoạt động của tổ chức phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Xin cảm ơn ông!