Từ chủ trương đến hành động

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 vừa ban hành là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Cùng với triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương, giảm tối đa kinh phí chi cho lễ lạt, hội nghị không cần thiết, Chính phủ tiếp tục nhấn vào việc cải cách bộ máy công vụ, tăng tính hiệu quả.

 Ảnh minh họa
Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí này được nhiều người đánh giá cao. Có thể nói đây là một trong những công việc quan trọng được triển khai để phát huy cao nhất mọi nguồn lực, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Nhiều mục tiêu rất cụ thể được xác lập. Và như nhiều ý kiến nhận định, một trong những giải pháp căn bản là phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập; Cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học...
Đồng thời, năm 2018 cũng giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015. Chính từ việc tiết giảm, tiết kiệm này, sẽ đổi mới căn bản cách thức quản lý và thái độ làm việc của công chức nhà nước, phục vụ đi đôi với quản lý; minh bạch hóa quản lý nhà nước, tăng cường kỷ luật công vụ, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước.
Nhiều ý kiến nhận định, những mục tiêu cụ thể và mạnh mẽ được Chính phủ đưa ra trong chương trình năm nay là cần thiết. Bởi những năm qua, chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu Ngân sách Nhà nước năm nào cũng được nhấn mạnh, và đã có những biến chuyển trong thực tế, nhưng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Ngân sách Nhà nước thường được các địa phương sử dụng với mục đích phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống người dân, nhưng một thực tế đáng buồn là một phần ngân sách, đôi khi đã khá eo hẹp, lại được chi dùng cho những mục đích có lẽ đã đi chệch khỏi những mục tiêu trên.
Những câu chuyện về địa phương này, đơn vị khác tổ chức lễ kỷ niệm linh đình, cùng với đó là việc in ấn các kỷ niệm chương gây lãng phí và tốn kém vẫn được nhắc đến. Còn về phía các đơn vị sự nghiệp công lập, việc tự chủ, xã hội hóa vẫn chỉ dừng ở mức bước đầu, thí điểm… khiến nhiều đơn vị vẫn là gánh nặng cho ngân sách. Thống kê cho thấy, chi cho sự nghiệp công lập đang chiếm tới 44% tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước. Và đến nay, cả nước còn 60,5% đơn vị còn do ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động. Đây là con số quá lớn, chưa kể nhiều đơn vị còn manh mún, chồng chéo, kém hiệu quả.

Cùng với tiết kiệm chi thường xuyên, chống lãng phí, vấn đề gốc rễ chính là sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế. Cải cách tốt bộ máy, tinh giản biên chế, tạo cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đó là ý kiến được nhiều chuyên gia nhận định.
Thực tế tại các đơn vị, địa phương cho thấy, khi đã tiết kiệm, thu gọn được đầu mối, sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ của các đơn vị sẽ giảm bớt được rất nhiều công việc trung gian không cần thiết. Làm sao 10 người làm đúng 10 công việc, chứ không phải 10 việc mà có đến 30 người cùng làm, đó là vấn đề được nhiều người kỳ vọng, giúp nâng hiệu quả công việc, hiệu lực hoạt động của các đơn vị.

Cùng với Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ cũng đã có chương trình hành động để thực hiện các nghị quyết của T.Ư về vấn đề này. Có lẽ đây là điều kiện thuận lợi để chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí có những hành động cụ thể.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần