Ở phút 85 trong trận đấu muộn vòng 25 La Liga giữa Atletico Madrid - Deportivo, trong pha tranh chấp với cầu thủ Alex Bergantinos, Torres đã bị va chạm rất mạnh ở vùng gáy. Anh đổ vật xuống sân và đầu đập xuống đất. Chứng kiến tình huống đó, các đồng đội của anh nhanh chóng lao đến can thiệp. Họ cho tay vào miệng Torres khi thấy anh có biểu hiện cắn vào lưỡi. Các bác sĩ (BS) khẳng định, các đồng đội của Torres đã cứu mạng anh. Nếu họ không có sự can thiệp kịp thời thì răng Torres đã cắn vào lưỡi theo phản xạ tự nhiên và hậu quả khôn lường đã xảy ra. Nói cách khác, kỹ năng xử lý khủng hoảng chấn thương của các cầu thủ Atletico Madrid rất tốt và nó giúp bi kịch không xảy ra với Torres.
Từ câu chuyện tại La Liga, người ta nhớ về V-League khi mà cũng trong những ngày này, làng bóng đá đón nhận tin không vui - tiền vệ Trần Anh Khoa chính thức giã từ sự nghiệp. Một năm trước, cầu thủ này chính là nạn nhân của pha vào bóng kinh hoàng của trung vệ Quế Ngọc Hải bên phía SLNA. VFF đã ban hành án phạt cấm thi đấu hết năm cùng số tiền phạt lên đến 830 triệu đồng đối với Ngọc Hải. Nhưng, tất cả những điều đó không thể giúp Anh Khoa tiếp tục theo đuổi sự nghiệp. Cầu thủ này buộc lòng phải nói lời chia tay với bóng đá khi mới 24 tuổi.Các đồng đội sơ cứu cho Torres trên sân |
Có quá nhiều bi kịch đã xảy đến với các cầu thủ Việt Nam. Đáng nói hơn, nhiều người trong số họ phải trả giá đắt vì công tác y tế quá kém. Nói đâu xa, tại AFF Cup vừa qua, Đội tuyển Việt Nam mất 2 cầu thủ quan trọng nhất trong đội hình là bộ đôi tiền vệ Ngô Hoàng Thịnh và Nguyễn Tuấn Anh. Tuấn Anh được BS Nhật Bản khẳng định có thể tham dự AFF Cup nhưng BS Việt Nam tiến hành tiểu phẫu và kết cục là... nghỉ hẳn. Hoàng Thịnh khẳng định sung mãn nhưng cuối cùng vắng mặt dài hạn. Quá tin lời BS nên HLV Hữu Thắng đã loại những cầu thủ khỏe, giữ lại phế binh và cuối cùng trả giá đắt.
Không chỉ ở đội tuyển quốc gia, công tác y tế tại các CLB đang được cho là rất kém. Các BS chủ yếu làm nhiệm vụ băng bó, xịt thuốc giảm đau chứ không có nhiều vai trò trong công tác chữa trị, phục hồi chấn thương. Có chuyên gia đã phải sửng sốt khi một đội bóng Việt Nam có 16 - 17 cầu thủ bị chấn thương, nhưng BS không đưa ra lời cảnh báo. Các cầu thủ này vẫn được tiêm thuốc giảm đau để thi đấu để rồi đối diện với nguy cơ giải nghệ sớm. Bằng chứng rõ nhất chính là việc tiền vệ Tuấn Anh của HAGL đến nay vẫn không thể thi đấu bởi quá trình hồi phục sai khiến anh mang chấn thương kinh niên.Mới đây, VFF đã mời một chuyên gia từ Đức chuyên đảm trách quá trình hồi phục chấn thương cho các cầu thủ. Đây được coi là giải pháp sống còn nhằm giúp đội tuyển quốc gia có được thể trạng tốt nhất. Quan trọng hơn, đội tuyển sẽ tránh được cảnh “lợn lành hóa lợn què” như từng nhiều lần xảy ra trong quá khứ. Nhiều người hy vọng, các đội bóng ở V-League sẽ “bớt ăn bớt tiêu” để đào tạo lại, hoặc thuê BS ngoại chăm sóc cầu thủ của mình.