Tuy không phải là cuộc gặp cấp cao chính thức nhưng sự kiện này vẫn được dư luận đặc biệt quan tâm vì đây là lần đầu tiên ông Shinzo Abe và bà Park Geun-hye gặp nhau kể từ khi lên nắm quyền ở hai nước từ cách đây hơn 1 năm. Với Mỹ thì hiện tại, cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều không có vấn đề trắc trở nào nhưng quan hệ song phương thì lại không thể nói là suôn sẻ. Hàn Quốc không gay cấn với Nhật Bản về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ như Trung Quốc, nhưng vướng mắc với Nhật Bản về một số chuyện gốc rễ từ quá khứ lịch sử như Trung Quốc. Việc ông Abe và bà Park chấp thuận sự trung gian hòa giải của Mỹ để tham dự cuộc gặp tay ba này cho thấy cả hai đều muốn hạ hỏa và Mỹ muốn họ nhanh chóng hòa thuận với nhau. Cả ba đều có lợi ích riêng ở sự kiện chung này. Cùng gặp Mỹ như thế bên lề một sự kiện quốc tế sẽ giúp bà Park và ông Abe giữ được thể diện và tránh được áp lực từ nội bộ, đạt được kết quả cụ thể nào thì càng tốt mà chẳng được thế thì cũng không sao. Ít ra thì đó cũng sẽ là sự khởi đầu mới và những bước đi tiếp theo sẽ dễ dàng hơn. Ông Abe muốn phân rẽ Hàn Quốc với Trung Quốc chứ không đẩy Hàn Quốc co cụm với Trung Quốc bất lợi cho mình. Bà Park chủ ý ngăn cản trào lưu cực đoan hóa những quan điểm nặng tính dân tộc chủ nghĩa bất lợi cho Hàn Quốc ở Nhật Bản và đặc biệt trong quan điểm chính sách của ông Abe. Hai nước này lại đều là đồng minh chiến lược truyền thống, thân cận và tin cậy của Mỹ, là những mắt xích vô cùng quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở khu vực nên họ càng hòa thuận với nhau thì mới càng có lợi cho Mỹ chứ không phải ngược lại. Mục đích và tác dụng của cuộc gặp tay ba này ở chỗ đó.