Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tự do hóa, giải pháp ổn định thị trường vàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau hơn một năm kể từ ngày Nghị định 24/2012/NĐ - CP về quản lý thị trường vàng có hiệu lực, và dù nhu cầu vàng được dự báo giảm sau thời điểm các ngân hàng buộc phải tất toán xong trạng thái vàng (ngày 30/6/2013) nhưng giá vàng trong nước và thế giới vẫn chênh lệch ở mức phải… giật mình khi có lúc lên tới 7 triệu đồng/lượng.

Mức chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới thời gian qua đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về lợi ích nhóm trong việc độc quyền gia công và sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây là bước quá độ cần thiết nhưng trong dài hạn cần tính tới việc tự do hóa thị trường vàng.

 
Tự do hóa, giải pháp ổn định thị trường vàng - Ảnh 1
 
Giao dịch vàng miếng tại một Chi nhánh của Sacombank.Ảnh: Yên Chi
 

Độc quyền trong ngắn hạn

Trước khi có Nghị định 24, mỗi năm NHNN phải cấp phép nhập khẩu bình quân khoảng 50 - 60 tấn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Việc này đã gây ảnh hưởng đến tỷ giá, chỉ số giá tiêu dùng, sự ổn định kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, sau Nghị định 24, khi NHNN độc quyền nhập khẩu, sản xuất vàng miếng đã làm giảm mạnh nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu vàng. Việc không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng cùng với hiệu quả của các chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ giúp tình hình cung cầu ngoại tệ được cải thiện cơ bản, giảm đáng kể tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Như vậy, việc NHNN độc quyền sản xuất, hạn chế nhập khẩu vàng, biến SJC thành thương hiệu vàng quốc gia là việc làm bắt buộc trong ngắn hạn để ổn định thị trường.

Ưu điểm là vậy, tuy nhiên, nhược điểm của việc hạn chế nhập khẩu vàng là không thể can thiệp nhanh khi giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau. Chính vì thế, trong dài hạn, nhiều chuyên gia cho rằng, NHNN cần tiến tới tự do hóa thị trường vàng miếng.

Nên theo xu hướng quốc tế

Kinh nghiệm quản lý của các thị trường vàng của Ấn Độ và Trung Quốc… cho thấy, việc quản lý theo hướng kiểm soát ngặt nghèo đều thất bại. Ấn Độ và Trung Quốc vốn là hai thị trường tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới, chiếm hơn 42% nhu cầu vàng trên thế giới. Đây cũng là hai quốc gia từng trải qua thời gian dài kiểm soát rất chặt thị trường vàng, nhưng sau đó phải tiến hành cải cách thị trường này theo hướng tự do hóa và họ đã đạt được các thành công đáng kể.

Theo TS Hoàng Công Gia Khánh - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tại Ấn Độ, với 90% lượng vàng tiêu thụ phải nhập khẩu, nước này phải đối mặt với thách thức không nhỏ trong việc kiểm soát vàng nhập khẩu để giảm thâm hụt cán cân thanh toán... Tháng 6/1990, Ấn Độ đã bãi bỏ việc quản lý chặt chẽ thị trường này trước đó, các thương nhân không còn phải xin giấy phép nhập khẩu vàng đã làm tăng tỷ trọng nhập khẩu vàng chính thức (giảm nhập lậu), tăng thu ngân sách thông qua việc thu được thuế nhập khẩu vàng, kích thích sản xuất nữ trang xuất khẩu…

Tại Trung Quốc, trước năm 2002, thị trường vàng cũng kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối bán lẻ. Giá vàng và hạn ngạch được quyết định bởi Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) phối hợp với các cơ quan khác ở T.Ư. Từ năm 1996, Trung Quốc đã dần tự do hóa và sau đó đã bãi bỏ việc Nhà nước độc quyền vàng. Từ năm 2000, giá vàng tại Trung Quốc đã sát với vàng thế giới. Tháng 10/2002, Sàn giao dịch vàng Thượng Hải được thành lập để tổ chức giao dịch vàng thay thế cho PBOC.

Từ kinh nghiệm quản lý của các quốc gia trên thế giới, nhiều chuyên gia trong nước cho rằng, việc NHNN tham gia sản xuất và kinh doanh vàng miếng chỉ nên thực hiện ngắn hạn. Việt Nam đã hội nhập quốc tế thì phải quản lý theo xu hướng quốc tế, NHNN chỉ là cơ quan nghiên cứu, ban hành chính sách, chứ không phải đi mua, bán vàng... Vì thế, trong dài hạn, Chính phủ nên quay lại cho xuất nhập vàng với quota tự do hơn, hoặc có thể thành lập sàn vàng quốc gia, cùng với đó, tạo thêm các kênh đầu tư vàng khác.

Đại diện NHNN cho biết, đến nay, các ngân hàng đã mua đủ vàng để tất toán trạng thái, cả huy động lẫn cho vay nên thời gian tới, NHNN vẫn đấu thầu vàng nhưng tần suất cũng như khối lượng sẽ giảm so với những phiên trước.Ngày 11/7, NHNN đã tổ chức đấu thầu 26.000 lượng vàng. Giá trúng thầu thấp nhất và cao nhất lần lượt ở mức 37,48 - 37,73 triệu đồng. Đơn vị mua nhiều nhất 5.000 lượng, và thấp nhất 300 lượng vàng.

Trong khi đó, theo thông báo chiều 11/7 của NHNN, các ngân hàng thương mại muốn giữ hộ vàng phải có giấy phép của NHNN và theo quy định của pháp luật.