Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tự hào doanh nghiệp - doanh nhân Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nay, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Thủ đô kỷ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2014) đúng vào dịp Thủ đô tròn 60 năm giải phóng (10/10/1954 - 10/10/2014).

Không chỉ tự hào vì là những công dân của Thủ đô ngàn năm văn hiến, giới DN - doanh nhân Thủ đô còn mang trong mình niềm vinh dự đặc biệt, là những DN - doanh nhân Thăng Long đang góp sức vào sự nghiệp CNH - HĐH của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.

Vững bước đi lên

Ông Nguyễn Thế Cường - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn bùi ngùi nhớ lại cách đây 55 năm, khi Ủy ban Hành chính TP Hà Nội ra Quyết định xây dựng công trường gạch thủ công Thạch Bàn vào ngày 15/2/1959 để sản xuất gạch xây dựng Thủ đô, đây cũng là "viên gạch" đầu tiên đặt nền móng cho Công ty Thạch Bàn. Từ đó đến nay, Thạch Bàn đã không ngừng phát triển, cải tiến kỹ thuật công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, xây dựng được nhà cáng kính, lò nung tuynel đầu tiên. Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lăng và Bảo tàng Hồ Chí Minh, Sân vận động Mỹ Đình, Nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài, khách sạn Melia, Nhà hát lớn… là những công trình tiêu biểu sử dụng sản phẩm gạch cao cấp của Thạch Bàn. Không bằng lòng với những gì đã đạt được, Thạch Bàn tiếp tục ghi dấu ấn vào năm 2011 khi lần đầu tiên ở Việt Nam, đã khánh thành nhà máy sản xuất gạch theo công nghệ "bán dẻo" sử dụng đất đồi và phế thải rắn làm nguyên liệu sản xuất gạch. Công nghệ này không sử dụng đất ruộng sản xuất lúa và không có chất thải rắn trong quá trình sản xuất. Ông Cường tâm sự: "Chúng tôi tự hào là DN của Thủ đô, vì đây chính là thương hiệu để chúng tôi vươn xa hơn ra thị trường cả nước và quốc tế".
Sáng 12/10, tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam 2014 được tổ chức đã thu hút trên 100 doanh nhân từ các tỉnh, thành Việt Nam tham dự. Với chủ đề "Doanh nhân nữ Việt Nam hướng tới tương lai", diễn đàn nhằm chia sẻ về các mô hình làm kinh tế thành công đồng thời thảo luận những thách thức và cơ hội đối với phụ nữ.   
Theo kế hoạch, đại hội thành lập Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam sẽ diễn ra trong 2 ngày 18 - 19/10 tại Hà Nội. Hiệp hội ra đời nhằm tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ phát huy năng lực, vai trò của nữ doanh nhân vì sự phát triển bền vững của đất nước. (Thu Trang)
Chia sẻ cảm xúc này, bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco cho biết: "Là công dân Thủ đô và là DN Thủ đô nên tôi thấy mình có trách nhiệm phải đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của mảnh đất này". Traphaco tự hào là DN đi lên từ những ngày đầu kinh tế đất nước còn khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của tập thể ban lãnh đạo và người lao động, Công ty đã từng bước phát triển vững chắc. Từ khi còn là Tổ sản xuất thuốc thuộc Ty Y tế Đường sắt (1972) đến khi được cổ phần hóa (năm 2000) và chính thức đổi tên (năm 2001) là Công ty CP Traphaco đến nay, DN này luôn là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm, dược liệu, thiết bị vật tư y tế… của Hà Nội và cả nước. Chia sẻ một trong những bí quyết thành công của DN, bà Vũ Thị Thuận cho rằng, kinh doanh dù trong bất cứ thời kỳ nào thì DN cũng cần phải minh bạch và hợp pháp. Bên cạnh đó, DN phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực, tập trung sáng tạo để phát triển vững chắc.
Trong số các DN tiêu biểu của Thủ đô phải kể đến Công ty CP Hà Yến - DN có 20 năm tuổi đời với ngành nghề kinh doanh chính là cung ứng các giải pháp về thiết bị bếp công nghiệp. Khác với Thạch Bàn và Traphaco với "gốc tích" là DN Nhà nước, Hà Yến là DN 100%  vốn tư nhân, ra đời đúng thời điểm cả nước mới chập chững bước vào nền kinh tế thị trường. Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ, Hà Yến khởi nghiệp từ năm 1994, chỉ với 40 triệu đồng tiết kiệm từ những năm lao động ở nước ngoài. Từng bước phát triển, Hà Yến đã dần tạo dựng một "cơ ngơi" là nhà xưởng sản xuất thiết bị bếp công nghiệp thay thế hàng nhập khẩu với diện tích 200m2 từ cuối năm 1997. Để chuyển hướng từ chiều rộng sang chiều sâu, năm 2008, Hà Yến đã tiến hành cổ phần hóa. Nhờ sự "thức thời" ấy, Hà Yến đã không ngừng đi lên, trở thành đối tác chiến lược của thương hiệu bếp công nghiệp nổi tiếng Nhật Bản là Comet Kato, tham gia cung ứng cho thị trường khách sạn 5 sao quốc tế với các dự án như Inter Continental Đà Nẵng, Novotel Sài Gòn, Crown Nha Trang… Thành công của Hà Yến là hình mẫu đáng tự hào của các DN Thủ đô trong thời kỳ kinh tế mở cửa.

 
Ông Phạm Thắng (nguyên là tình báo viên của Đội Bát Xát năm xưa) giao lưu cùng đại diện doanh nghiệp Thủ đô. Ảnh:  Hải Linh
Ông Phạm Thắng (nguyên là tình báo viên của Đội Bát Xát năm xưa) giao lưu cùng đại diện doanh nghiệp Thủ đô. Ảnh: Hải Linh
“Bà đỡ”của doanh nghiệp

Để có những DN thành công, những thương hiệu nổi tiếng, các DN Thủ đô không quên "bà đỡ" của mình là các cấp lãnh đạo của TP Hà Nội qua các thời kỳ. Chia sẻ về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các DN vừa và nhỏ TP Hà Nội khẳng định, những năm qua, TP Hà Nội đã có nhiều chính sách và giải pháp tạo điều kiện cho sự ra đời của hàng loạt DN tại khu công nghiệp dệt may Minh Khai, Lĩnh Nam; Thượng Đình - khu cao xà lá, các nhà máy cơ khí... Khi Luật DN được ban hành và có hiệu lực, cộng đồng DN phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2000, UBND TP đã quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng để DN có mặt bằng sản xuất như: Khu công nghiệp nhỏ và vừa Từ Liêm; Cụm công nghiệp Vĩnh Tuy - Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Ngọc Hồi đã có hàng trăm DN nhỏ và vừa ngoài quốc doanh được thuê mặt bằng để xây dựng nhà xưởng sản xuất như Công ty T&T, Sơn Hà, Xuân Lộc Thọ, Hà Yến, HAVICO, Cơ khí Mạnh Quang... Sau năm 2002, cụm công nghiệp Cầu Giấy được xây dựng với mục tiêu phát triển công nghiệp sạch, Hà Nội đã có thêm hàng chục DN công nghệ thông tin, DN phần mềm được thành lập như Công ty CP Tập đoàn CMC, Tập đoàn FPT...

Đại diện Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn cũng đánh giá, những năm qua, Chính phủ và TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho DN như giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế đất…, đồng thời ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ cho các DN như: Chính sách trợ giúp tài chính, mặt bằng sản xuất, đổi mới nâng cao năng lực công nghệ và trình độ kỹ thuật, xúc tiến mở rộng thị trường, chính sách tham gia các hoạt động mua sắm và cung ứng dịch vụ công, chính sách về thông tin và tư vấn, trợ giúp phát triển nguồn nhân lực, vườn ươm DN… Các chính sách này nhìn chung đã bao quát mọi mặt của DN, song theo phản ánh từ DN, khi đưa vào thực tế, một số chính sách còn bộc lộ bất cập. Về mặt bằng sản xuất, DN rất khó tiếp cận do hồ sơ quá phức tạp, thiếu thông tin và chi phí lớn. Về nguồn vốn, dù đã có những chính sách, chương trình hỗ trợ vốn cho các DN như bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ tín dụng, tuy nhiên, chỉ có một số lượng nhỏ các DN tiếp cận được với chính sách này vì thủ tục vay quá phức tạp, các DN không có đủ tài sản để thế chấp...

Năm 2014, nhằm giải quyết vấn đề này, UBND TP Hà Nội đã thành lập Quỹ Tín dụng hỗ trợ DN để có thể bảo đảm nguồn vốn vay hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh. Quỹ này cho DN vay vốn với lãi suất có ưu đãi so với thị trường, lãi suất sẽ được tính theo lãi suất trung bình của các ngân hàng thương mại lớn nhất. Các DN đánh giá đây là một trong những biện pháp cần thiết giúp DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Nhưng để cộng đồng DN tiếp tục lớn mạnh cùng Thủ đô, các DN - doanh nhân mong mỏi trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, quan tâm hơn nữa của Nhà nước và TP với nhiều giải pháp và chính sách thiết thực, tạo điều kiện về mặt bằng, nguồn vốn để các DN ngày càng có nhiều cơ hội đầu tư đổi mới, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là Thủ đô Anh hùng, TP vì hòa bình.
Phát huy vai trò trụ cột trong thời kỳ CNH, HĐH
Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt hơn 100 “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2014.
Tại buổi gặp, các đại biểu đã kiến nghị Nhà nước tạo điều kiện để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN về thủ tục hành chính, ưu đãi thuế; tạo bình đẳng giữa tập đoàn lớn với các DN nhỏ và vừa. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, có lộ trình đối với việc tăng lương tối thiểu cho người lao động để đảm bảo hài hòa quyền lợi người lao động và duy trì sức cạnh tranh của DN…
Ghi nhận và chia sẻ với kiến nghị của các DN, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để DN hồi phục và vươn lên. Đồng thời, các DN cũng nên chủ động tạo lập kênh thông tin qua báo chí để bày tỏ, kiến nghị vướng mắc kịp thời với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Chủ tịch nước đề nghị cộng đồng DN tiếp tục phát huy vai trò là trụ cột trong giai đoạn CNH - HĐH, góp phần cùng Đảng, Nhà nước nâng sức mạnh của nền kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành giàu mạnh. (Thời Chính)