KTĐT - Sau hơn 2 năm chuẩn bị, lần đầu tiên một văn bản pháp luật chính thức hướng dẫn về việc quản lý phát hành riêng lẻ đã được ban hành (Nghị định số 01/2010/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4/1/2010).
Đây là hành lang pháp lý quan trọng cho việc kiểm soát hoạt động phát hành riêng lẻ của DN, một trong những kênh huy động vốn hiệu quả trong thời gian vừa qua.
Năm 2009, bên cạnh việc chứng kiến những diễn biến ngoạn mục của TTCK, NĐT còn chứng kiến thêm một hiện tượng các DN ồ ạt chuyển sang thực hiện phát hành riêng lẻ rất nhiều. Đây là hệ quả của việc quy định khá khắt khe đối với DN khi phát hành cổ phiếu ra công chúng (không được có ngoại trừ trong BCTC kiểm toán), đồng thời do diễn biến TTCK nửa đầu năm không mấy thuận lợi khiến nhiều cổ đông không sẵn sàng tiếp tục bỏ vốn vào chứng khoán. Bên cạnh đó, ưu điểm của việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ còn là việc nhanh gọn về thủ tục và lựa chọn được những cổ đông hỗ trợ DN tốt hơn trong các hoạt động kinh doanh chính. Trước đó, Chỉ thị số 20/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường quản lý TTCK là văn bản hướng dẫn duy nhất về TTCK liên quan đến chào bán cổ phần riêng lẻ, nhưng cũng không quy định rõ ràng, mà chỉ dẫn chiếu theo Luật Doanh nghiệp.
Điểm nổi bật đầu tiên cần được chú ý trong hướng dẫn việc phát hành riêng lẻ, đó là quy định về giới hạn chuyển nhượng đối với cổ phần chào bán riêng lẻ. Cụ thể, thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ hiện nay được quy định là 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Đây chính là một trong những nội dung đã được nhiều NĐT kiến nghị trong giai đoạn 2007 - 2008, khi tình trạng giá cổ phiếu trên TTCK đang giao dịch ở mức rất cao, nhưng DN lại thực hiện chào bán riêng lẻ với giá rất thấp, cho những đối tượng không thực sự mang lại nhiều giá trị gia tăng cho DN (như hỗ trợ về công nghệ, khách hàng, kinh doanh…) nhưng không kèm với điều kiện ràng buộc hạn chế chuyển nhượng, gây mất công bằng giữa các cổ đông.
Điểm nổi bật thứ hai của dự thảo là việc DN phải thực hiện công bố thông tin và báo cáo nghiêm túc cơ quan quản lý (báo cáo Ngân hàng Nhà nước nếu là NHTM, Bộ Tài chính nếu là DN ngành bảo hiểm hoặc UBCK với công ty đại chúng, các trường hợp còn lại là Sở kế hoạch và đầu tư). Theo đó, DN phải thực hiện nộp bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm (Báo cáo chào bán cổ phần theo mẫu; Quyết nghị của ĐHCĐ hoặc HĐQT/hội đồng thành viên (với công ty TNHH chuyển thành CTCP)/chủ DN 100% vốn nước ngoài hoặc HĐQT DN liên doanh chuyển đổi thành CTCP thông qua phương án chào bán và sử dụng số tiền thu được từ đợt phát hành; Nghị quyết HĐQT hoặc HĐQT thông qua tiêu chuẩn chọn đối tác chiến lược, người lao động; Quyết định của HĐQT thông qua danh sách đối tác chiến lược, người lao động; tài liệu cung cấp thông tin cho NĐT; tài liệu chứng minh tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài (nếu có); các tài liệu khác liên quan (nếu có). DN chỉ được thực hiện chào bán riêng lẻ trong phạm vi 90 ngày kể từ khi cơ quan quản lý có thẩm quyền nhận được hồ sơ đầy đủ và công bố trên trang thông tin điện tử (hoặc nếu hết thời hạn trên mà không có ý kiến phản đối). Với DN không thực hiện công bố/báo cáo thông tin về đợt phát hành/công bố không đúng, hoặc thực hiện quảng cáo trong thời gian chào bán cổ phiếu riêng lẻ sẽ bị xử phạt, với mức cao nhất đến 100 triệu đồng và thu toàn bộ số tiền thu được từ chào bán cổ phiếu trái phép.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm của Nghị định, vẫn còn một số điểm gây thắc mắc, vì tính “lỏng” hơn nhiều so với dự thảo trước đó hơn 2 năm (năm 2007). Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng, việc chỉ quy định nêu ra điều kiện chọn đối tác chiến lược do ĐHCĐ thông qua mà bỏ qua quy định về mức giá tối thiểu chào bán sẽ có thể tạo kẽ hở cho Ban lãnh đạo DN lách luật, bán cổ phiếu với giá quá thấp so với mức có thể. Thứ hai, việc yêu cầu DN không được quảng cáo trong quá trình chào bán cổ phiếu riêng lẻ, có vẻ như chưa thực sự hợp lý. Cụ thể, với DN, việc chào bán riêng lẻ đôi khi không chỉ vìmục tiêu tài chính, mà còn là tìm đối tác kinh doanh hoặc hỗ trợ kinh doanh. Việc quảng cáo rộng rãi có thể giúp DN tìm được đối tác ưng ý nhất. Trên thực tế, chúng ta có thể hiểu rằng, đây là quy định trên cơ sở định nghĩa của Luật Chứng khoán có quy định, chào bán qua phương tiện thông tin đại chúng cũng là chào bán ra công chúng. Nhưng, nếu quy định về việc thông tin chỉ với mục tiêu siết chặt việc “quá lời” trong công bố thông tin chào bán thì có lẽ sẽ hợp lý hơn. Một điểm nữa cũng gây thắc mắc là trong hồ sơ đăng ký chào bán, DN phải gửi danh sách đối tác chiến lược. Điều này liệu có hợp lý không, khi đây mới chỉ là hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ, và sau đó, DN có tới 90 ngày kể từ khi không bị phản đối để tìm đối tác. Như vậy, DN lại phải thêm một lần báo cáo cơ quan quản lý về kết quả chào bán riêng lẻ?.
Từ ngày 25/2/2010, Nghị định này sẽ có hiệu lực, và nhiều khả năng, để có thể triển khai một cách trơn tru, vẫn sẽ cần thêm các văn bản hướng dẫn. Dẫu vẫn còn nhiều điểm gây thắc mắc, nhưng đây vẫn là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường kiểm soát hoạt động phát hành, một kênh huy động vốn quan trọng cho DN, nhất là trong bối cảnh TTCK không mấy thuận lợi.