[Từ nhà ra phố]: Taxi và tắc đường!

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nói cho công bằng, taxi và xe ôm là những phương tiện đóng góp một phần không nhỏ trong vận tải hành khách và hàng hóa.

Tuy nhiên, việc có quá nhiều hãng taxi, xe ôm hiện nay đã “góp một phần không nhỏ” khiến giao thông nội đô Hà Nội ngày thêm lộn xộn và ùn tắc!

Phương tiện giao thông đang phát triển với tốc độ phi mã. Dù chính quyền TP đã có rất nhiều giải pháp song hạ tầng giao thông vẫn chưa phát triển tương xứng. Việc có quá nhiều hãng taxi, rồi xe công nghệ hoạt động đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn TP có khoảng gần 20.000 taxi gắn mác “taxi Hà Nội”, 3.000 xe taxi ngoại tỉnh và khoảng 22.000 xe dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ vận chuyển hành khách. Cùng với xe ôm truyền thống, xe ôm “4.0”, con số phải lên tới cả trăm ngàn phương tiện. Nếu như trước đây, để có được 1 chiếc taxi, người ta phải gọi qua tổng đài và thường phải chờ rất lâu mới được phục vụ. Ngày nay, chỉ cần bước chân ra ngõ, chưa kịp bấm điện thoại đã có vài tài xế “áp sát” chào mời.

Dù rất hiện đại, thông thoáng nhưng vào giờ cao điểm, nút giao Nguyễn Xiển – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) liên tục xảy ra ùn tắc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là ở đây có hàng chục, thậm chí cả trăm taxi (truyền thống có, xe dù có, xe ôm các loại thì đếm không hết) thường xuyên “nấp” 2 bên đường để đón khách từ đường trên cao.

Ở các khu vực bến xe như Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm – mỗi khi xe vào bến, người ta muốn sử dụng phương tiện công cộng cũng không mấy khi được yên thân bởi sự đeo bám, gạ gẫm của các tài xế.

Xe nhiều, chỗ đỗ thiếu nên hầu hết loại phương tiện vận tải hành khách này phải lòng vòng mà nhiều tuyến đường ở Hà Nội đã cấm taxi. Nếu ngành chức năng không có biện pháp “khống chế” loại phương tiện này, nguy cơ tắc đường còn diễn ra dài dài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần