Công trình nghiên cứu đoạt giải của ông đã đi từ thực trạng gốc rễ của đói nghèo đến việc đo lường chính sách của các chính phủ và cả cách cân bằng chi tiêu của người dân.
Tìm bản chất của đói nghèo
Phần lớn thời gian và tâm huyết trong cuộc đời Giáo sư (GS) Deaton dành để nghiên cứu cải thiện tính hiệu quả và chính xác của cách đo lường về mức độ giàu và nghèo, tiết kiệm và tiêu dùng, sức khỏe và hạnh phúc. Ông luôn day dứt câu hỏi về tính hiệu quả của các giải pháp chống đói nghèo và những chương trình cứu trợ. Điều này thôi thúc các nhà nghiên cứu cũng như tổ chức quốc tế phải thực sự hiểu được bản chất của nghèo đói trước khi muốn đối diện với nó.
Tận dụng lợi thế trong thời kỳ phát triển công nghệ thông tin, vị giáo sư đã thu thập thông tin của số lượng lớn người dân trên thế giới để nghiên cứu sâu về xu hướng kinh tế toàn cầu. Trong một lá thư gửi Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Mỹ năm 2010, GS Deaton chỉ trích một số biện pháp đo lường về nghèo đói phổ biến hiện nay. Ông cho rằng, cách tính số người sinh sống với dưới 1 USD/ngày là thổi phồng về tình trạng nghèo đói, thay vào đó nên sử dụng dữ liệu từ các cuộc khảo sát về điều kiện sống của các hộ gia đình riêng. Năm 2013, ông xuất bản cuốn sách “The Great Escape”, vẽ nên gốc gác của tình trạng chênh lệch giàu nghèo với dữ liệu có bề dày 250 năm. Cuốn sách chỉ ra rằng, hầu hết mọi người trên thế giới hưởng lợi về chăm sóc y tế và và phúc lợi khi kinh tế tăng trưởng, tuy nhiên còn nhiều nhóm người dân bị bỏ qua.
Công cụ thiết kế chính sách
Bên cạnh đó, công trình phân tích giúp GS Deaton giành được giải thưởng danh giá này còn tập trung tìm hiểu xu hướng tiêu dùng và cách cân bằng chi tiêu của con người với thu nhập. Đây là “công cụ” cơ bản nhất để các nhà làm luật trên toàn cầu “thiết kế” được những chính sách thúc đẩy trợ cấp xã hội và xóa đói giảm nghèo.
Những nghiên cứu của ông về hệ thống nhu cầu của nền kinh tế cũng giúp các chính phủ đo lường tác động của chính sách đến hộ gia đình. Ví dụ, nếu một chính phủ quyết định thay đổi mức thuế giá trị gia tăng đánh vào các loại thực phẩm, nghiên cứu của GS Deaton sẽ giúp đánh giá tác động của việc này đến tiêu dùng. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho rằng, bằng việc liên kết lựa chọn chi tiêu cá nhân với tổng thu nhập, nghiên cứu của ông đã giúp cải tổ lĩnh vực kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô và kinh tế học phát triển.
Theo đó, ba đóng góp lớn nhất của nghiên cứu này là: Tìm ra cách người tiêu dùng phân bổ chi tiêu vào các loại hàng hóa khác nhau; thu nhập của xã hội được phân chia thế nào vào tiêu dùng và tiết kiệm; tìm ra phương pháp tối ưu để đo lường và phân tích tác động giữa phúc lợi xã hội và nghèo đói.
Bởi vậy, những nghiên cứu này không chỉ mang ý nghĩa lớn đối với các quốc gia nghèo đói, mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến công tác triển khai chính sách cũng như cộng đồng những người làm khoa học.
Giáo sư Angus Deaton - Đại học Princeton đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2015.
|