Tự vệ thương mại - con dao hai lưỡi

Minh Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh các thỏa thuận mở cửa thị trường, WTO vẫn cho phép các quốc gia thành viên được áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như công cụ bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sức ép nhập khẩu.

 Và tự vệ chính là một trong ba trụ cột của phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, bảo hộ ngành sản xuất trong nước bao giờ cũng có tính hai mặt của nó…
Khởi động 2 chỉ thực hiện 1
Trong bối cảnh toàn cầu hóa thương mại, ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do được ký kết trên cơ sở những thỏa thuận cơ bản trong khuôn khổ WTO. Điều này, một mặt khuyến khích dòng hàng nhập khẩu, từ đó tạo động lực cạnh tranh, thúc đẩy tiềm lực phát triển của ngành sản xuất trong nước, mặt khác tạo ra những áp lực cho các DN nội địa nếu không có sự can thiệp hoặc hỗ trợ kịp thời; dẫn đến nguy cơ sụp đổ toàn ngành và gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế - xã hội của quốc gia nhập khẩu.
 Sản xuất tôn tại nhà máy, Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh: Thế Anh
Áp dụng các biện pháp tự vệ (BPTV) được hiểu là việc quốc gia nhập khẩu tạm thời áp dụng một hoặc một số rào cản thương mại nhằm hạn chế luồng hàng nhập khẩu khi có sự gia tăng nhập khẩu một cách đột biến, không thể lường trước, gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước. Theo báo cáo của WTO, tính từ ngày 1/1/1995 đến 31/12/2015, trên thế giới đã có 311 vụ khởi xướng áp dụng BPTV, nhưng chỉ khoảng 50% trong số đó đi đến quyết định tự vệ, cho thấy xu thế cẩn trọng và dè dặt của các quốc gia trong việc sử dụng quyền tự vệ của mình. Trên thực tế, việc áp dụng BPTV có nguy cơ dẫn đến tâm lý ỷ lại, thụ động, tạo ra sức ì trong công tác nghiên cứu sản xuất của bản thân DN nội địa thì được xem là không hiệu quả. Mặt khác, khi áp dụng BPTV, quốc gia nhập khẩu phải bồi thường thương mại cho các quốc gia có hàng hóa bị áp dụng BPTV như một sự đền bù ngang giá (dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên) do những biện pháp này được coi là hành vi thương mại hợp pháp, chính đáng và bình thường của bên xuất khẩu. Trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận về vấn đề bồi thường thương mại, WTO cho phép các nước xuất khẩu áp dụng biện pháp trả đũa đối với nước nhập khẩu. Chưa kể, khả năng bị khởi kiện do tự vệ là rất cao nếu BPTV được áp dụng một cách tùy tiện.
Cơ hội nếu doanh nghiệp biết tận dụng
Hiện nay, khung pháp lý về tự vệ thương mại của WTO mang tính khái quát rất cao, đòi hỏi các quốc gia, khi áp dụng, không chỉ dựa vào câu chữ của quy định mà còn phải xem xét cả những nội dung giải thích và làm rõ của Ban Hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm của WTO thông qua hệ thống án lệ. Trong khi đó, việc nghiên cứu và áp dụng án lệ vẫn còn khá mới mẻ đối với nước ta. Khung pháp lý của Việt Nam về tự vệ thương mại cũng vẫn còn sơ khai. Đơn cử như trong 5.448 vụ phòng vệ thương mại trên thế giới thì chống bán phá giá chiếm 4.757 vụ. Riêng thống kê số vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tính đến tháng 5/2016, có đến 64 vụ. Trong khi sau hơn 10 năm ban hành pháp luật Việt Nam về các BPTV, Việt Nam mới tiến hành điều tra và áp dụng 4 vụ điều tra áp dụng thuế tự vệ đối với 3 mặt hàng: dầu thực vật; bột ngọt; phôi thép và thép dài. 2 vụ việc điều tra chống bán phá giá với thép không gỉ cán nguội và thép tôn mạ. Còn theo điều tra mới đây nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với 1.000 DN, có đến 63% DN có nghe nói nhưng không hiểu sâu. Do đó, để có thể đảm bảo rằng việc áp dụng BPTV được thực hiện phù hợp với thông lệ quốc tế và hạn chế rủi ro bị các nước khác khởi kiện, Việt Nam bắt buộc phải có sự đánh giá khách quan và toàn diện về các điều kiện tự vệ.
Khi áp dụng BPTV, đối tượng gánh chịu thiệt hại lớn nhất vẫn là người tiêu dùng. Trong một số trường hợp, hàng hóa nhập khẩu có chất lượng tốt hơn hàng hóa nội địa nhưng vẫn được bán với giá rẻ hơn (do sự tiên tiến về công nghệ, trình độ kỹ thuật và cung cách quản lý khoa học), được người tiêu dùng tin cậy nên thị phần và sản lượng hàng nhập khẩu tăng lên nhanh chóng qua từng năm. Khi đó, việc áp dụng BPTV sẽ khiến giá của hàng hóa đó bị đẩy lên cao, kéo theo sự tăng giá của các ngành sản xuất có liên quan, gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chính đáng của người tiêu thụ và hàng loạt những hệ luỵ khác. Do vậy, sử dụng quyền tự vệ chỉ phát huy ý nghĩa thật sự khi được quyết định sử dụng trên kết quả đánh giá khách quan và toàn diện về thực trạng ngành sản xuất nội địa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần