Từ vụ cháy rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn: Nhiều bất cập trong công tác phòng, chống cháy rừng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/6, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã thị sát hiện trường vụ cháy rừng phòng hộ thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn.

Ghi nhận thực tế cho thấy, đến sáng ngày 6/6, vụ cháy đã hoàn toàn được kiểm soát . Các cơ quan chức năng đang tập trung cho công tác ngăn ngừa sự cố có thể bùng phát trở lại, đồng thời, tổng rà soát, thống kê thiệt hại sau sự cố vừa qua.

Vụ cháy lớn nhất trong 50 năm

Cho tới sáng 6/6, nhiều người dân sống dưới chân núi thuộc thôn Hoa Sơn (xã Nam Sơn) vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ cháy kéo dài tới 12 giờ. So với các xã có diện tích rừng bị cháy thuộc các xã: Phù Linh, Hồng Kỳ, Bắc Sơn, xã Nam Sơn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ghi nhận thực tế cho thấy, hàng chục héc-ta rừng nơi đây bị cháy xám. Đáng chú ý khi nhiều nhà dân chỉ cách khu vực bị cháy chừng 5 - 7m. Ông Bùi Xuân Thắng - một hộ dân xóm 6, thôn Hoa Sơn cho biết, tổng diện tích của gia đình được giao khoán khoảng 20ha. Vụ cháy đêm qua đã khiến trên 15ha rừng thông, rừng keo của gia đình bị cháy. Nếu trời không có mưa, khả năng phục hồi diện tích rừng trên là rất thấp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thị sát hiện trường vụ cháy rừng tại huyện Sóc Sơn ngày 6/6. Ảnh: Trọng Tùng

Cùng với hộ ông Thắng, ít nhất 20 hộ dân khác (chủ yếu thuộc xã Nam Sơn, Phù Linh) cũng có diện tích rừng bị thiệt hại, hoặc chịu ảnh hưởng của vụ cháy. Chánh văn phòng UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Thu Nga thông tin: Tổng hợp diện tích rừng bị cháy tính trưa ngày 6/6 vào khoảng trên 50ha. Hiện, các đơn vị chức năng địa phương đang tiếp tục đo đạc, thống kê thiệt hại từ vụ cháy. Cũng theo ông Lê Văn Sơn - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng (Sở NN&PTNT Hà Nội), đây là vụ cháy lớn nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây. Trước đó, vào các năm 1979 và 2009, hai vụ cháy lớn cũng đã xảy ra khiến tương ứng gần 80ha và 40ha rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Sóc Sơn bị thiêu rụi.

Trắng đêm chống giặc lửa

Là một trong số những người đầu tiên phát hiện ra vụ cháy, bà Nguyễn Thị Tần ở xóm 6, thôn Hoa Sơn (xã Nam Sơn) cho biết, suốt đêm xảy ra vụ cháy, nhiều gia đình thao thức không ngủ được. Ngay cả khi vụ cháy đã cơ bản được dập tắt vào 1 giờ 30 phút sáng qua, rất nhiều ngôi nhà nằm rải rác dưới chân núi thuộc các xã Nam Sơn, Phù Linh vẫn sáng đèn cho tới khi trời sáng. Ai nấy âu lo trước khả năng vụ cháy có thể bùng phát trở lại. Lo lắng đó đã trở thành sự thật khi trong buổi sáng qua (6/6), khoảng 100m2 rừng phòng hộ thuộc xã Nam Sơn bị cháy trở lại. Rất may, lực lượng chức năng ứng trực đã dập tắt được đám cháy. Vụ cháy không gây thương vong về người và thiệt hại về tài sản đối với các hộ dân sống giáp ranh diện tích rừng bị cháy.

Là người trực tiếp có mặt chỉ đạo lực lượng địa phương phản ứng nhanh với sự cố, ông Nguyễn Quang Đấu - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sóc Sơn cho biết, do địa hình đồi núi phức tạp, thời tiết hanh khô và có gió lớn nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, có một số anh em trong quá trình chữa cháy bị ngạt khói, được di chuyển ra khỏi khu vực cháy rừng để được hồi sức cấp cứu. Dù rất nỗ lực nhưng cũng phải mất tới 12 giờ đồng hồ kể từ khi bùng phát, vụ cháy mới cơ bản được kiểm soát. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ và người dân chỉ trở về nhà khi trời đã hửng sáng…

Không để bùng phát trở lại

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng (Sở NN&PTNT Hà Nội), toàn bộ diện tích rừng bị cháy trong ngày 5/6 đều do đơn vị quản lý. Hiện, nguyên nhân vụ cháy đang được các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ. Tuy nhiên, theo bà Hằng, thời tiết nắng nóng và khô hanh trong gần một tuần trước thời điểm xảy ra vụ cháy có thể được xem là một nguyên nhân. Cũng theo bà Hằng, công tác chữa cháy vào chiều tối và đêm 5/6 gặp rất nhiều khó khăn. Dụng cụ chữa cháy cũng chỉ gồm những vật dụng hết sức thô sơ như băng ngăn lửa, cành cây, quần áo - khăn vải ướt… Những thiết bị chuyên dụng như quạt thổi lửa, cưa máy, quần áo bảo hộ thì gần như… không có! Đây là yếu tố khiến công tác chữa cháy bị kéo dài tới 12 giờ đồng hồ.

Bên cạnh những khó khăn nêu trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng: Việc thiếu đi hệ thống đường băng ven các khu rừng gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy, do xe chữa cháy gặp khó khi tiếp cận hiện trường. Đơn cử như trong vụ cháy vừa qua, các lực lượng chức năng phải rất vất vả để có thể mở đường cho xe chữa cháy tiếp cận với khu vực hỏa hoạn. Đây sẽ là vấn đề mà Sở NN&PTNT Hà Nội cần bàn thảo, có hướng đề xuất TP giải quyết. Dù chưa thể khẳng định nguyên nhân vụ cháy có xuất phát từ sự bất cẩn, thiếu ý thức của người dân hay không, tuy nhiên, theo ông Chu Phú Mỹ, về lâu dài, cần rà soát, tiến tới xây dựng phương án di dời các hộ hiện sinh sống tại khu vực rừng phòng hộ.

Trực tiếp có mặt thị sát hiện trường vụ cháy xảy ra trên địa bàn huyện Sóc Sơn vào sáng 6/6, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chức năng, lực lượng địa phương trong công tác chữa cháy rừng, đặc biệt là việc không để xảy ra thương vong và thiệt hại cho các hộ dân sống lân cận. Về giải pháp trước mắt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục bố trí lực lượng ứng trực tại khu vực rừng bị cháy trong những ngày tới nhằm ngăn ngừa và kiểm soát tốt hiện trạng, tuyệt đối không để sự cố bùng phát trở lại.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị ngay sau trận mưa chiều qua, bà Đỗ Thu Nga - Chánh Văn phòng UBND huyện Sóc Sơn cho biết, cơn “mưa vàng” không chỉ giải tỏa tình trạng nắng, nóng, hanh khô những ngày qua, mà còn giúp ngăn chặn nguy cơ đám cháy bùng phát trở lại. Rừng thông, rừng keo, thảm thực bì cũng sẽ có điều kiện tốt nhất để sinh trưởng, phát triển tốt tươi.

Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục tập trung rà soát, thống kê diện tích rừng bị cháy để có phương án hỗ trợ, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống người dân và sản xuất của lâm trường.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội  Nguyễn Văn Sửu


Thời điểm vụ cháy bùng phát dữ dội, huyện đã lên phương án tổ chức di dời khoảng 50 hộ dân sống ven bìa rừng, nơi chịu ảnh hưởng của khói bụi từ vụ cháy. Khoảng 2.000 người thuộc các lực lượng công an, dân quân tự vệ, dân phòng…, cùng nhiều trang thiết bị, phương tiện đã được huy động, dốc toàn lực tập trung khắc phục sự cố.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn  Vi Thị Bình Anh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần